Thương mại biên giới Việt - Trung: Vẫn tăng trưởng mạnh

TP - Dù tình hình căng thẳng ở biển Đông nhưng, hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung vẫn duy trì đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân 4%/tháng.
Xe chở hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Phạm Anh

Ngày 22/7, Ban chỉ đạo thương mại biên giới tuyến biên giới Việt-Trung (Ban chỉ đạo) họp cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu; mua bán, trao đổi hàng hóa qua tuyến biên giới đạt 8,59 tỷ USD. Cụ thể, gạo là nông sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất - khoảng 198 triệu USD (529.000 tấn). 

  

Theo Ban chỉ đạo, 97% lượng gạo được xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, khu vực thí điểm xuất khẩu ở tỉnh Lào Cai. Vải tươi xuất khẩu đạt 96.385 tấn, trị giá 62,2 triệu USD; dưa hấu xuất khẩu đạt trên 152.600 tấn, trị giá 9,1 triệu USD…

Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu trực tiếp qua tuyến biên giới đạt 2,61 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Các tháng đều xuất siêu, tổng giá trị xuất siêu trong 6 tháng đạt 800 triệu USD, tăng 126% so với cùng kỳ năm 2013.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Bình, cho biết, tính đến ngày 15/7, kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn đạt 821 triệu USD, nhập khẩu đạt 806 triệu USD (xuất siêu 15 triệu USD). Theo ông Bình, tình hình giao thương qua các cửa khẩu khá ổn định, hoạt động kiểm dịch động, thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm qua các cửa khẩu được thực hiện chặt chẽ hơn.

Xử lý nhanh các vấn đề 

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, dù phải chịu một số tác động, nhưng hoạt động thương mại biên giới trên tuyến biên giới Việt-Trung vẫn duy trì được đà phát triển. 

Theo ông Tú, do chính sách về thương mại biên giới hiện chưa được hoàn thiện và chưa có hệ thống, nên đã ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành thương mại biên giới, đặc biệt là xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở.

Để giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại biên giới Việt - Trung, Ban chỉ đạo đã công bố nhiều kế hoạch hành động. 

“Việc nhanh chóng hoàn thiện, ban hành văn bản sửa đổi và các chính sách liên quan đến cư dân biên giới là rất cần thiết, nhằm giải quyết tình trạng gian lận thuế, đảm bảo cho thương mại biên giới thông suốt”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú

Cụ thể, thiết lập kênh trao đổi thường xuyên, định kỳ và chặt chẽ giữa cơ quan thường trực ban chỉ đạo với cơ quan thường trực ban chỉ đạo các tỉnh, để kịp thời đề xuất hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ở khu vực biên giới Việt-Trung và tổ chức đoàn công tác liên ngành làm việc với các tỉnh biên giới Trung Quốc giáp với Việt Nam, nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương, giải quyết các vấn đề còn vướng mắc. 

Đồng thời, phối hợp trao đổi thông tin về thương mại biên giới với Trung Quốc về tình hình thị trường, doanh nghiệp, cơ chế, chính sách... để tiếp tục nâng tầm hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước.