Thuốc tránh thai liệu có ảnh hưởng tới trí nhớ?

Cháu được kê uống thuốc tránh thai để chữa rong kinh. Do đang ôn thi đại học nên cháu lo lắng không biết loại thuốc này có ảnh hưởng tới sự thông minh và khả năng ghi nhớ.
Ảnh minh họa: BBC.

Cháu 18 tuổi, có kinh năm 14 tuổi. Gần đây, do bận thi cử, cháu bỏ bê ăn uống, ngủ nghỉ, lúc nào cũng lo lắng, mệt mỏi. Thi xong kết quả mỹ mãn nhưng cháu gặp rắc rối về sức khỏe. Trong một tháng rưỡi cháu có kinh nguyệt 4 lần, mỗi lần hơn một tuần mới hết, 3-4 ngày sau có lại. Lần thứ 4 kéo dài 24 ngày. Lúc cháu bị, máu ra nhiều, đỏ thẫm và có mùi hôi. Cháu không bị viêm ngứa gì.

Cháu lo lắng và đã đến Bệnh viện Từ Dũ khám. Bác sĩ cho cháu uống một loại thuốc có tác dụng tránh thai. Hôm đầu uống cháu bị ói, buồn nôn, đau đầu, đau bụng, hôm sau mới khỏi. Hiện giờ cháu uống được một tháng rồi. Bác sĩ dặn tái khám nhưng do ở Lâm Đồng, trái tuyến, đi lại khó khăn, cháu lại không có thời gian vì đang lo ôn thi đại học nên cháu muốn hỏi, liệu cháu không đi khám lại, tiếp tục uống Mavelon có được không. Thuốc này có ảnh hưởng gì đến sự thông minh và trí nhớ không? (Lan Ngọc)

Trả lời:

Chào bạn,

Thuốc tránh thai là thuốc chứa nội tiết, có tác dụng chính là giúp phụ nữ tránh thai. Các loại thuốc ngừa thai điều chỉnh hoóc môn của cơ thể, ức chế sự rụng trứng, làm thay đổi nội mạc tử cung, làm đặc chất dịch mình cổ tử cung, giảm sự di chuyển của tinh trùng trong ống dẫn trứng.

Trong trường hợp của cháu, có lẽ do căng thẳng và những thay đổi về sinh hoạt, ăn uống trước những ngày thi cử đã gây rối loạn nội tiết, góp phần làm kinh nguyệt thất thường, rong kinh. Bác sĩ cho cháu sử dụng thuốc tránh thai chủ đích là muốn điều chỉnh nội tiết, tạo lại sự cân bằng nội tiết trong cơ thể cháu, có như vậy mới chấm dứt hiện tượng rong kinh.

Hiện nay, chưa có tài liệu nào nói thuốc này ảnh hưởng đến trí nhớ. Vì vậy, cháu không nên lo lắng. Sau khi dùng hết vỉ thuốc đầu tiên, cháu dừng lại mấy hôm sẽ thấy ra kinh. Nếu không có điều kiện tái khám, để đề phòng tái phát bệnh, cháu có thể tiếp tục mua thuốc uống trong vòng 2 tháng nữa.

Sau hai tháng này, nếu thấy không còn rong kinh, cháu không cần uống thuốc nữa và có thể không đi khám lại. Ngược lại, nếu tình vẫn kéo dài, cháu không nên tiếp tục tự ý mua thuốc uống mà cần đi khám để bác sĩ kiểm tra kỹ và hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp.

Chúc cháu luôn vui khỏe và thành công trong kỳ thi đại học sắp tới.

Theo Theo VnExpress