Thúc đẩy chính sách ưu đãi, cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt

TPO - Theo các chuyên gia, nhà nước cần nghiên cứu, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để xử lý, cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tại Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo về “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở Việt Nam”.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều nội dung tham luận xoay quanh các vấn đề như thực trạng công tác quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; tổng quan chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam...

Toàn cảnh hội thảo về “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở Việt Nam”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và gia tăng dân số kéo theo gia tăng khối lượng, chủng loại CTRSH. Vì vậy, nhiều bất cập trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, trong đó phương thức chôn lấp không hợp vệ sinh vẫn đang là chủ yếu.

"Việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH được xác định là một trong các hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi hỗ trợ, tuy nhiên, các nội dung hỗ trợ về đất đai, vốn đầu tư, thuế, phí và lệ phí đều không có nội dung liên quan đến việc cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH. Do vậy, nhìn chung đến nay, chưa có chính sách, quy định cụ thể về ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH", PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ nhận định.

Tại hội thảo, TS. Hồ Công Hòa - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư đã đề xuất giải pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư xử lý, cải tạo bãi chôn lấp CTRSH.

Cụ thể, nhà đầu tư được phép đầu tư xử lý, cải tạo để thu hồi năng lượng hoặc di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các bãi chôn lấp CTRSH theo quy định của pháp luật về đất đai, phù hợp với quy hoạch.

Theo đó, mọi chi phí liên quan đến các hoạt động này sẽ do nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm và được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh của dự án. Nhà nước chỉ hỗ trợ và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành.

Nhiều bãi thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường

Đặc biệt, để khuyến khích, thúc đẩy nhà đầu tư tham gia dự án đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH, TS. Hòa cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, theo đó áp dụng nguyên tắc ưu đãi có lợi nhất theo quy định hiện nay đối với lĩnh vực quản lý CTRSH.

"Các bộ ngành và địa phương chủ động cân đối ngân sách thúc đẩy đầu tư công để thực hiện vai trò “vốn mồi”; giải phóng mặt bằng làm đòn bẩy trong công tác huy động đầu tư tư nhân; tham gia trực tiếp, hỗ trợ các dự án đầu tư tư nhân cho các dự án cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các bãi chôn lấp chất thải..." TS. Hòa nói.

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2023, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn 61/63 tỉnh,thành phố là khoảng 67.877 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 29.734 tấn/ngày). Tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý tại đô thị trung bình khoảng 96,6%; tại khu vực nông thôn trung bình khoảng 77,69%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64%.