Thời gian qua, Thành Đoàn Đà Nẵng tích cực tham mưu tổ chức các kỳ họp Hội đồng trẻ em, tạo diễn đàn để thiếu nhi gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Các hoạt động lấy ý kiến trẻ em được đẩy mạnh thông qua nhiều kênh, như: các diễn đàn, hoạt động của 214 CLB Quyền trẻ em trong các Liên đội, trên địa bàn dân cư, chương trình “U-report - Diễn đàn tiếng nói trẻ em Việt Nam”…
Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, trong quá trình phối hợp, mô hình Điều em muốn nói của Hội LHPN quận Cẩm Lệ phát huy hiệu quả và được Hội đồng Đội TP triển khai rộng rãi tại các trường Tiểu học trên địa bàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em.
“Thành Đoàn cũng đề xuất với với Thành ủy, UBND tổ chức các lớp ngoại khóa kỹ năng sống cho trẻ em do Hội đồng Huấn luyện kĩ năng trực tiếp đứng lớp, hỗ trợ. Ngoài ra, sắp tới, Thành Đoàn tiếp tục đẩy mạnh các mô hình lắng nghe trẻ em nói, tăng cường các hoạt động đối thoại, phát huy quyền tham gia của trẻ em trong các lĩnh vực, vấn đề liên quan đến trẻ em”, anh Dũng nói.
Qua 2 năm phối hợp, Hội LHPN đã thành lập các đoàn giám sát, tiến hành giám sát 20 vụ việc bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; phối hợp với Hội TT&BVQLTE tham giải quyết vụ việc xâm hại trẻ em tại tổ 25 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) và vụ hiếp dâm trẻ em tại tổ 12 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu).
Hội TT&BVQLTE cũng đã phát hiện và kịp thời thông tin 6 trường hợp liên quan đến các vấn đề về trẻ em đến Sở LĐTB&XH và các đơn vị; vận động nguồn lực kịp thời giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tiếp nhận 4 đơn thư và thông tin của trẻ em cần bảo vệ và can thiệp, trong đó có 1 vụ việcđã kiến nghị xét xử từ tội danh “Giao cấu với trẻ em” sang tội danh “Hiếp dâm”, “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.
Hội TT&BVQTE TP Đà Nẵng phối hợp triển khai đến Hội LHPN các quận/huyện tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho các hộ gia đình có trẻ em thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại 55 xã/phường (55 lớp) với hơn 8.000 người tham dự.
Liên ngành đã tổ chức 112 buổi truyền thông tại cộng đồng, trường học cho hơn 40 nghìn trẻ em và phụ huynh về Luật Trẻ em, Nghị định 56, kỹ năng phòng chống bạo lực, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…; 152 lớp tập huấn phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, 158 lớp kỹ năng sơ cấp cứu, các mô hình trong phòng, chống đuối nước trẻ em, 252 khóa học bơi miễn phí với chủ đề “An toàn cho con trong môi trường nước”.