> Thủ tướng tiếp xúc cử tri Hải Phòng
Ổn định kinh tế vĩ mô
Thủ tướng lưu ý, đất nước ta có đặc thù là lúc nào cũng phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta dành rất nhiều công sức để bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển Đông, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc sống trong điều kiện hòa bình ổn định là thành tựu chung của cả nước. “Sự ổn định đó trên cơ sở lòng tin của nhân dân vào chế độ, vào đường lối phát triển đất nước, vào Đảng và Nhà nước. Lòng tin rất vững chắc”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, mặc dù đang sống trong hòa bình ổn định, nhưng chúng ta không một phút lơi lỏng. Chúng ta càng tăng cường tiềm lực quốc phòng vững mạnh, phù hợp thì càng góp phần ổn định hòa bình cho đất nước. Chúng ta dành nguồn lực để tăng sức mạnh chiến đấu cho quân đội nhân dân, công an nhân dân. Trong quân đội, tăng sức chiến đấu, hiện đại nhanh hải quân, không quân, bộ đội phòng không tên lửa để sẵn sàng bảo đảm chủ quyền đất nước.
Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm 2013, Thủ tướng cho biết đã bảo đảm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012 (khoảng 6% so với 6,81% ), đây là mức lạm phát thấp nhất trong 10 năm qua. Ổn định vĩ mô, giữ được tỷ giá ổn định, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng kiểm soát được, lòng tin vào giá trị đồng tiền Việt Nam tăng lên… “Nổi bật lên chúng ta bảo đảm vững chắc hơn về ổn định kinh tế vĩ mô so với năm 2012”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý dù đạt được nhiều kết quả nhưng chúng ta còn nhiều hạn chế yếu kém. Như ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả nhưng chưa vững chắc. Tăng trưởng kinh tế có chiều hướng phục hồi năm sau cao hơn năm trước, nhưng tốc độ phục hồi còn chậm, sản xuất kinh doanh còn khó khăn; Nợ xấu còn lớn, tăng tín dụng cũng chậm, thủ tục hành chính, cải cách hành chính còn nhiều điều phải cố gắng.
Phải đánh bài ngửa với doanh nghiệp
Lấy ví dụ từ việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trên khắp cả nước, Thủ tướng cho biết chính lãnh đạo các cấp, kể cả cấp xã, cấp huyện tới thành phố phải gặp doanh nghiệp để thuyết phục, để doanh nghiệp thấy được cái lợi. “Gặp doanh nghiệp, thảo luận với họ, cho họ thấy có lợi, mình cũng có lợi, rất rõ ràng và cụ thể. Doanh nghiệp có lợi nhuận, ta giải quyết được lao động, đánh bài ngửa ra”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng lưu ý, phát triển nông nghiệp phải đi cùng với phát triển nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp phải đưa khoa học công nghệ để vừa tăng năng suất vừa tăng chất lượng, tăng hiệu quả thu nhập cho người nông dân. Xây dựng nông thôn mới chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo diện mạo mới cho nông thôn, gắn liền với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn; Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hải Phòng phải tận dụng các lợi thế của mình
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của UBND TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo thành phố cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: Hải Phòng phải tận dụng các lợi thế hạ tầng cảng biển, sân bay để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao; tổ chức quan hệ sản xuất mới với hình thức liên kết phù hợp để hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.