Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng

TPO - Trong Kế hoạch Quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, dự án về bảo tồn, phục hồi rừng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 993/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.

Đây là kế hoạch nhằm thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland (Vương Quốc Anh).

Hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, qua đó thực hiện được các cam kết của Tuyên bố Glasgow.

Kế hoạch đặt ra những mục tiêu cụ thể như đến năm 2025, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải - vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp gần 90% diện tích, theo quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình.

Đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (NDC).

Cụ thể, diện tích rừng tự nhiên nghèo được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030, góp phần giảm tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên trung bình và giàu. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 0,5 triệu ha vào năm 2025, đạt 1,0 triệu ha vào năm 2030.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững không gây mất rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa; nâng cao tính chống chịu, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng đa mục đích, phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.

Lồng ghép bảo vệ rừng trong các quy hoạch

Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, dự án về bảo tồn, phục hồi rừng, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ngăn ngừa chuyển đổi, phá hủy hệ sinh thái, các cảnh quan tự nhiên quan trọng.

Bên cạnh đó, quản lý xung đột, tranh chấp về rừng và sử dụng đất, đánh giá hiện trạng rừng và đất rừng có tranh chấp, chồng lấn giữa lâm nghiệp và lĩnh vực khác.

Xây dựng và triển khai kế hoạch giải quyết các tranh chấp về rừng và đất. Thực hiện đóng mốc ranh giới giữa các chủ rừng, thống nhất ranh giới rừng trên bản đồ và thực địa, ưu tiên ở khu vực có nguy cơ xâm hại cao, để xảy ra tranh chấp.

Kế hoạch nhấn mạnh việc bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng. Trong ảnh là Cò Thìa, một loài đặc biệt quý hiếm được ghi nhận tại Khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần lồng ghép nội dung quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia, như quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên ở các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt sang mục đích ngoài lâm nghiệp.

Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học rừng (cấp hệ sinh thái, loài), theo dõi, giám sát đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, đầu tư trang thiết bị cho các hoạt động điều tra, giám sát đa dạng sinh học rừng.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất theo hướng đa mục đích, quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất đai. Đặc biệt, tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, quản lý đa dạng sinh học, xây dựng cơ chế chính sách về quản lý tín chỉ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính.