Thư Trường Sa của 112 thủ khoa Hà Nội

TP - Còn nhiều câu chuyện về lòng yêu nước, sự tri ân và trách nhiệm phía sau lá thư đặc biệt được 112 thủ khoa Hà Nội cùng viết, ký tên gửi chiến sỹ Trường Sa được đọc trong lễ tuyên dương tối 21 - 8. Bức thư này sẽ được in sao để chuyển tới tận tay mọi lính đảo.

> Hiến kế & tiếp sức
> Thủ khoa chưa được gọi là nhân tài

Thủ khoa Hà Nội trao tặng lại bức thư cho đại diện Bộ Tư lệnh
Hải quân. Ảnh: Xuân Tùng.
 

Không xa đâu Trường Sa...

Bức thư vẻn vẹn hơn 2 trang giấy nhưng tập hợp từ nhiều ý tứ, dồn nén cảm xúc của các thủ khoa Hà Nội. Với họ, Trường Sa thật gần, như một phần máu thịt. Trước ngày tuyên dương, nhiều thủ khoa tự viết thư riêng, sau đó được tập hợp thành một bức thư để cùng bày tỏ tình cảm, sự tri ân và lời hứa với chiến sĩ đang canh giữ biển trời Tổ quốc.

Với chất giọng ấm áp, truyền cảm, Vũ Thị Hương Lan, thủ khoa xuất sắc Đại học Sân khấu điện ảnh, may mắn được chọn để đọc bức thư trong đêm tuyên dương thủ khoa. Lan chia sẻ, đứng trên sân khấu rất run, nhưng nghĩ đến biển đảo quê hương, đến Trường Sa, em đã thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên, chân thật.

Hương Lan cho biết, khi ngồi lại bàn chủ đề viết thư cho chiến sỹ Trường Sa, ai cũng hồi hộp, lo lắng. Tình cảm nhiều, nhưng chưa biết sẽ thể hiện sao cho hết. May mắn với các thủ khoa khi được trò chuyện, giao lưu với chiến sỹ hải quân tại Hải Phòng.

Hương Lan và các thủ khoa đặc biệt ghi nhớ câu chuyện được Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân - Đại tá Đinh Gia Thật, kể về một chiến sỹ hải quân trước giờ Nhà giàn bị đổ đã chào đồng đội qua bộ đàm: Nhà giàn đổ rồi, chào các anh chị, em đi đây. “Nghe xong câu chuyện người chiến sỹ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhiều thủ khoa đã bật khóc” Hương Lan tâm sự.

Bức thư mở đầu: “Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với 112 cựu sinh viên Thủ đô Hà Nội - ngày chúng em được tôn vinh danh hiệu cao quý thủ khoa xuất sắc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, bên Lăng Bác kính yêu. Trong niềm vui lớn và cảm xúc dâng trào, chúng em nhớ đến và thầm cảm ơn tất cả những người thân yêu, trong đó có các anh - những người chúng em chưa từng biết tên, chưa một lần gặp mặt.

Nhưng yêu lắm, tự hào lắm những người con đang canh giữ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc! Chúng em mong cánh thư tập thể này đến với các anh để nối gần hơn đất liền với hải đảo, để chúng em được bày tỏ sự tri ân và ngưỡng mộ đối với các anh”.

Hương Lan đọc bức thư tại lễ tuyên dương thủ khoa.
 

Lan tỏa tình yêu

Nguyễn Thị Châu Loan, thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội trăn trở nhiều đêm trước khi viết thư. Tốt nghiệp ngành địa lý, Loan có nhiều dự định tuyên truyền biển đảo cho học sinh qua các bài giảng. Loan chia sẻ, trước khi viết thư đã suy nghĩ để làm sao thể hiện hết tình cảm với những người chưa từng biết mặt, biết tên nhưng thân thuộc qua nhiều chuyện kể.

Đêm đó, Châu Loan ngồi vào máy tính, những gì đã từng học, từng nghe cứ thế tuôn chảy: “Các anh hôm nay vẫn mang trong mình hình ảnh những người con của cha Lạc Long Quân xuống biển năm xưa, có hình ảnh những đội hùng binh kiên cường giữ đảo ngày nào.

Những hy sinh thầm lặng của các anh đã tiếp nối lời thề gìn sông biển, giữ núi rừng của cha ông một thuở. Không ít máu xương của các chiến sỹ Trường Sa đổ xuống nơi biển đảo xa xôi đã tô thắm thêm cho màu cờ Tổ quốc…Những cái tên Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1, hay “những người con giữ biển”, lính Trường Sa, sao mà gần gũi, thân thương đến thế!”.

Thủ khoa Học viện Báo chí tuyên truyền Phó Thanh Hương tâm sự: “Chưa một lần được đặt chân đến Trường Sa nên để viết trọn bức thư, em đã đọc nhiều tài liệu để hiểu và cảm nhận”. Trần Thị Thu Nga, thủ khoa Học viện Ngân hàng, cho biết: “Dù đã đọc bức thư nhiều lần nhưng khi Hương Lan bắt đầu những dòng thư trên sân khấu, ở dưới nhiều thủ khoa xúc động rưng rưng. Mình hi vọng, bức thư sẽ nhân rộng tình yêu biển đảo hơn nữa trong bạn trẻ”.

Ước một lần tới Trường Sa

Đại tá Đinh Gia Thật, thay mặt chiến sĩ hải quân, đón nhận bức thư từ các thủ khoa, cho biết sẽ sớm chuyển bức thư ra Trường Sa trong chuyến tàu sớm nhất. Bức thư sẽ được đặt trang trọng tại Trường Sa lớn và in sao ra nhiều bản để gửi tận tay các chiến sỹ. Đại tá Đinh Gia Thật chia sẻ, ông thực sự xúc động khi các thủ khoa dành tình cảm sâu sắc đối với chiến sỹ Trường Sa.

Điều đó còn thể hiện niềm tin yêu của tuổi trẻ cả nước nói chung, sẽ là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp các chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió vượt qua gian khổ. Thay lời các chiến sỹ, Đại tá gửi gắm kỳ vọng tới các thủ khoa rằng bằng năng lực và trí tuệ của mình tiếp tục phấn đấu để góp sức dựng xây đất nước, bảo vệ biển trời Tổ quốc.

Sau lễ tuyên dương, các thủ khoa hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Thanh Hương mong mỏi, nếu được giải cuộc thi có thể sẽ được một lần tham dự hành trình đến với Trường Sa. “Được trải nghiệm sóng gió, khó khăn với cuộc sống trên đảo là ước mơ của mình”, Hương nói. Còn Nguyễn Thị Châu Loan thổ lộ: “Càng tìm hiểu em càng thấy được kỳ tích của con đường mang tên Bác. Chính vì thế, Loan đã nhanh chóng thu thập tài liệu, viết được 20 trang cho bài dự thi”.

Bức thư gửi chiến sĩ Trường Sa được in khổ 70 x 1,5m trên nguyên liệu giấy Pomic đặc biệt có thể chịu đựng được sương, gió.

Lễ tuyên dương đã khép lại. Bức thư được kết bằng lời hứa của bạn trẻ: “Chúng em nguyện tiếp tục học tập, rèn luyện nhiều hơn, sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và cả những thử thách của cuộc đời, phấn đấu là hậu phương vững chắc của các anh.

Dù mai đây chúng em học tập, công tác ở đâu, lĩnh vực nào vẫn sẽ luôn giữ vững khí phách, tinh thần của thanh niên Thủ đô thời đại mới, giữ trọn và càng làm sâu sắc thêm tình yêu đất nước, yêu quê hương, yêu biển đảo của Tổ quốc Việt Nam rộng lớn và anh hùng”.

Theo Báo giấy