Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Bí thư Hà Nội đã dùng cụm từ “tăng trưởng mức nước sôi” để nhấn mạnh về sự nhức nhối của giao thông Thủ đô. Hà Nội đang xem xét tới phương án hạn chế xe cá nhân, Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Hạn chế xe cá nhân là điều cần thiết để tháo gỡ giao thông tại Hà Nội và chúng tôi ủng hộ điều đó. Bởi với sự tăng trưởng của phương tiện cá nhân ngày càng cao như hiện nay sẽ có tác động không tích cực tới tình hình giao thông và sẽ chẳng có chuyện giao thông thông suốt. Tuy nhiên, sẽ cần phải có tính toán và lộ trình cụ thể để đảm bảo hài hòa nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân với vấn đề tổ chức giao thông.
Nhưng trong bối cảnh giao thông hiện nay, khi phương tiện công cộng như tàu điện trên cao, buýt nhanh không đảm bảo, lại triển khai hạn chế phương tiện cá nhân thì người dân sẽ đi bằng gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Không phải là tàu điện trên cao không đảm bảo, chỉ là vấn đề kết nối chưa tốt thôi, nhưng trong quy hoạch giao thông hiện tại thì khó có thể nói mọi thứ trơn tru được. Sẽ cần có lộ trình để giải quyết, và từ nay đến năm 2030 khi hệ thống đường sắt đô thị hoàn thiện thì vấn đề kết nối sẽ tốt và đáp ứng được tốt nhất nhu cầu sử dụng của người dân, kiên quyết phải hoàn thành càng sớm càng tốt.
Hiện nay phương tiện công cộng ở Hà Nội mới chỉ có xe buýt và taxi, vậy nên như tôi nói ở trên là việc hạn chế phương tiện cá nhân cần có tính toán và lộ trình cụ thể để đảm bảo sự hài hòa, để người dân có thời gian thay đổi.
Câu chuyện hạn chế phương tiện cá nhân đã được nhắc tới từ lâu nhưng có vẻ còn “vướng víu” nhiều vấn đề nên chưa thể hiện thực hóa. Theo Thứ trưởng có hạn chế được phương tiện cá nhân hay không?
Tôi cho rằng có thể hạn chế được nhưng phải có điều kiện. Hiện nay nhà nhà, người người đều có thể mua ô tô để sử dụng cho cá nhân, muốn hạn chế chúng ta có thể tính tới các điều kiện ràng buộc, như: Người mua ô tô phải chứng minh được có bãi để xe. Thậm chí, có thể quy định chỉ người có nhà ở Hà Nội, có việc làm ổn định tại Hà Nội thì mới được mua xe, Không thể để người lao động thời vụ, những người lao động tự do cũng mua xe chạy hàng ngày ở Hà Nội. Cùng với đó, cần tăng cao phí trước bạ đối với ô tô.
Ngoài hạn chế phương tiện cá nhân thì Hà Nội nên áp dụng thêm những giải pháp gì để thay đổi cục diện giao thông với điệp khúc “chỗ nào cũng tắc và tắc bất cứ lúc nào”, thưa Thứ trưởng?
Theo tôi, nên cấm taxi lưu thông trong giờ cao điểm trong một số trục đường huyết mạch như: Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương, Cầu Giấy - Xuân Thủy, Nguyễn Trãi - Hà Đông… Thay đổi xe buýt cỡ lớn thành xe buýt nhỏ để giảm diện tích chiếm dụng lòng đường như hiện nay. Việc tổ chức giao thông nên tính tới tăng cường các làn đường 1 chiều, có thể các phương tiện sẽ phải đi xa hơn và đi vòng nhưng giao thông trên tuyến sẽ không bị xung đột.
Cũng nên quyết liệt hơn với giải pháp lệch giờ làm, hiện nay tất cả các đơn vị, cơ quan, công sở đều có chung một giờ vào làm việc và kết thúc công việc cùng một giờ nên mới xảy ra cao điểm giao thông trong giờ tan tầm. Cùng đó, đẩy mạnh việc di dời các cơ quan, trường học ra ngoài trung tâm Hà Nội, phát triển về phía Tây - khu vực đã có hạ tầng giao thông với khả năng kết nối rất tốt như đường Láng Hòa Lạc. Giải phóng vỉa hè, giải phóng điểm trông giữ xe trên lòng đường, nhất là trên tuyến hẹp; tăng cường xây dựng các bãi đỗ xe tự động nhiều tầng.
Ngoài ra, Hà Nội cần quy hoạch là dân cư, nên tập trung cư dân sống trong khu đô thị. Trên thế giới có lẽ chỉ có Việt Nam là nhà dân mọc san sát ngay cạnh đường giao thông và mỗi nhà xây dựng một kiểu. Nếu tập trung được người dân sống trong các khu đô thị thì sẽ có mặt bằng để mở rộng đường, khi đó sẽ tổ chức tập trung được điểm đón trả khách cho xe buýt, taxi, tàu điện… không để taxi đón khách lộn xộn như hiện nay.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!