> Phí bảo trì đường bộ nộp theo tháng?
> Thu phí bảo trì đường bộ, cước vận tải sẽ leo thang
Hà Nội chưa thể triển khai
Lý giải việc chưa thông qua phương án thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, đại diện HĐND Hà Nội cho rằng do UBND TP chưa trình nên từ 1-1-2013 Hà Nội chưa thể thu phí này.
Ngoài chưa biết phương án sẽ triển khai và thu thế nào, chiều qua trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện HĐND TP Hà Nội cho biết, trong kỳ họp cuối năm của HĐND TP vừa qua do UBND TP chưa trình phương án nên HĐND không thể đưa ta thảo luận cũng như thông qua. Do vậy việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy tại Hà Nội từ ngày 1-1-2013 chưa thể thực hiện.
Nói về việc Bộ Tài chính đã có Nghị định, riêng với xe máy phải thông qua HĐND để thực hiện từ 1-1-2013, nhưng kỳ họp cuối năm vừa qua UBND TP đã không trình nội dung này, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, do sự chuẩn bị chưa kỹ và không phải cái gì đưa ra cũng thực hiện được ngay nên UBND TP chưa trình lên HĐND.
Tuy nhiên ông Tưởng khẳng định, đã là Nghị định thì phải thực hiện, do vậy ngày 25-12 vừa qua, UBND đã tổ chức cuộc họp triển khai nội dung này và giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở GTVT, Cục Thuế, các ngành liên quan trên cơ sở khung giá đã được liên bộ GTVT - Tài chính đưa ra phải sớm xây dựng phương án thu, mức thu để báo cáo HĐND TP.
“Hiện UBND TP đã đăng ký báo cáo với HĐND nội dung này, nếu điều kiện cho phép thì thời gian tới một hội nghị chuyên đề về phí bảo trì đường bộ kết hợp với một số nội dung khác sẽ được HĐND TP tổ chức”, ông Tưởng nhấn mạnh.
Về thời gian triển khai thu phí đường bộ đối với xe máy, ông Tưởng thừa nhận, Hà Nội không thể triển khai từ 1-1-2013 và cho biết, phải chờ sau Tết âm lịch (khoảng tháng 3-2013) khi phương án hoàn thiện và trình HĐND TP thông qua thì mới thực hiện được.
“Do Nghị định yêu cầu HĐND phải thông qua nên phương án thu phí xe máy nhất thiết phải lấy ý kiến đại biểu HĐND, không thể thông qua thường trực HĐNĐ là xong”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Cho biết quan điểm về việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội cho rằng, do thiếu sự công bằng giữa xe đi ít và xe đi nhiều, hơn nữa nguồn thu này cũng không đáng kể và còn làm tăng bộ máy hành chính Nhà nước nên họ không ủng hộ phương án trên.
“Chính sách thì phải thực tế và công bằng, nhưng phương án thu phí bảo trì đường bộ với xe máy đã không có được hai yếu tố trên”, bà Nguyễn Thị Thúy, đại biểu HĐND Hà Nội nhấn mạnh.
Theo bà Thúy, đã là người dân thì việc đóng góp thuế phí là trách nhiệm và nghĩa vụ, nhưng chính sách và cách thức tổ chức không phù hợp sẽ làm cho các quy định của Nhà nước kém hiệu lực.
Đà Nẵng: Sớm nhất tháng 7-2013 mới thu
Chỉ còn vài ngày, quy định thu phí bảo chỉ đường bộ chính thức triển khai. Tuy nhiên, hầu hết người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng ngạc nhiên, trong khi nhiều cán bộ cơ sở cho rằng chưa được phổ biến quy định này, khó triển khai.
Theo ông Hòa, tổ trưởng tổ dân phố 156, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng): Tổ chưa nhận được bất kỳ văn bản hướng dẫn nào từ UBND phường về việc kiểm kê, rà soát việc thu phí sử dụng đường bộ với các phương tiện ô tô, xe máy trên địa bàn.
Trước nay, tổ chỉ thu tiền theo kiểu vận động, tự nguyện, nếu phải thu các loại phí bắt buộc như phí bảo trì đường bộ này sẽ khó khăn nhất là với các đối tượng không có hộ khẩu, hay xe “không chính chủ”.
Ông Ngô Sỹ Kiến Trúc, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) đồng tình: Theo quy định, UBND phường, thị trấn, xã sẽ được giao tổ chức thu phí đối với xe máy của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Quy định này sẽ khó triển khai do thiếu nhân lực, quy mô dân số phường đông, nhiều thành phần tạm trú; lo nhất là người dân không tự giác, ý thức việc nộp phí mà “lách” bằng nhiều hình thức khác nhau như: Không kê khai, hoặc thiếu hợp tác trình báo phương tiện...
Không ít người dân tỏ ra ngạc nhiên trước quy định thu phí bảo trì đường bộ. Anh Trần Anh Vũ (35 tuổi, trú đường Điện Biên Phủ, Thanh Khê, Đà Nẵng) cho hay: Đến giờ, chưa ai ở khu vực này nhận được thông báo về việc kê khai phương tiện giao thông trong gia đình.
Lãnh đạo UBND phường Nại Hiên Đông kiến nghị: Cần có hướng dẫn rạch ròi giữa thu phí theo phương tiện đăng ký hay đang sử dụng. Trường hợp, một người có nhiều xe, nhưng lại giao xe cho các thành viên trong gia đình sử dụng ở nhiều địa phương khác. Vậy thu theo số lượng đăng ký hay thực tế đang sử dụng phương tiện?
Ông Trần Văn Hấn, Phó chánh văn phòng HĐND TP Đà Nẵng cho hay: Tại kỳ họp HĐND tháng 12-2012 vừa qua, khung thu phí bảo trì đường bộ với các phương tiện cơ giới trên địa bàn chưa được thông qua, do UBND thành phố chưa hoàn thiện và trình phương án.
Hiện, ngành chức năng thành phố đang xây dựng mức thu phí này, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp HĐND giữa năm 2013 tới. Do đó, sớm nhất việc thu phí phải được thực hiện từ khoảng tháng 7-2013.
Trao đổi vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết: Căn cứ trên Thông tư 197 của Bộ Tài chính, sở ngành chuyên môn xây dựng và tham mưu cho UBND thành phố mức thu phí phù hợp với tình hình phương tiện địa phương.
TPHCM: Tạm thời chưa thu
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM với Tiền Phong vào ngày 26-12.
Bà Tâm khẳng định đến thời điểm này, HĐND TPHCM chưa bàn đến việc thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy. Vì vậy, tạm thời TPHCM chưa thực hiện thu phí từ ngày 1-1-2013.
Trả lời câu hỏi của PV, vì sao thành phố không xây dựng tờ trình, lấy ý kiến thông qua và ban hành Nghị quyết về mức phí bảo trì đường bộ đối với mô tô xe máy tại kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM để áp dụng từ đầu năm 2013, bà Tâm cho biết tại thời điểm chuẩn bị các văn kiện và diễn ra kỳ họp (từ ngày 4 đến 7-12), các hướng dẫn về thu phí bảo trì đường bộ chưa cụ thể nên địa phương không đưa vào nghị trình.
Kỳ họp thứ 7 cũng là kỳ họp cuối năm 2012. Như vậy, phải chờ đến kỳ họp tới, vấn đề thu phí, mức thu đối với mô tô, xe máy mới được HĐND TPHCM xem xét.