“Kẻ nổi loạn truyền thống”:

Thử nghiệm khác lạ của Goldwell

TP - Sau Hairshow “Họa tình” 2013, “Kẻ nổi loạn truyền thống” 2015 hứa hẹn mang đến cho khán giả Việt những màn trình diễn độc đáo. Vượt qua khuôn khổ show diễn thời trang tóc, các hairshow của Goldwell luôn vươn tầm, khẳng định đẳng cấp nghệ thuật.
Cảnh trong show diễn (chụp buổi tổng duyệt chương trình tối 22/8)

Đụng độ nghệ thuật

Hairshow “Kẻ nổi loạn truyền thống” là câu chuyện hành trình. Hành trình xác lập bản thể của một chàng trai với những tự vấn mang tính triết lý muôn thuở của loài người: “Ta là ai? Sự tồn tại của ta có nghĩa lý gì?”.

Sự trắc trở trong hành trình kiếm tìm câu trả lời ấy, được tạo dựng bằng những màn nghệ thuật khá công phu. Âm nhạc và múa đồng điệu trong những thái cực đối lập. Âm thanh réo rắt của nhạc cụ truyền thống hòa với những thanh âm ồn ào của nhạc điện tử dẫn dắt xúc cảm cho những tạo hình của chuyển động cơ thể ở cả múa truyền thống và nhảy hiện đại. 

Trên sân khấu, nhân vật nam chính, bằng ngôn ngữ cơ thể biểu đạt sự đấu tranh lựa chọn giữa truyền thống và nổi loạn. Anh nhận ra bản thể của mình là một kẻ nổi loạn và khát khao tiếp cận với những nổi loạn táo bạo được “biểu tượng” trên sân khấu bằng những mẫu tóc của các nhà tạo mẫu thuộc nhóm “Tài năng trẻ” và “Sáng tạo” trong cuộc thi Color Zoom.

Tạo lập sân khấu mang phong cách đụng độ, biên đạo múa Tuyết Minh đưa tất cả các yếu tố của sân khấu vào thế đối chọi từ múa, âm nhạc, ánh sáng, phục trang,…Theo chị, sự đối chọi này không nhằm đánh bật hay triệt tiêu  giữa truyền thống và nổi loạn mà để đối thoại, tìm đến cái chung, cùng góp phần tạo nên chỉnh thể nghệ thuật.

Bên cạnh vai trò tổng đạo diễn của Tuyết Minh còn có sự cộng hưởng của nhiều cộng sự khác. Sân khấu của “Kẻ nổi loạn truyền thống” được ê kip Hoàng Dũng thiết kế 4 lớp, lung linh và huyền ảo dưới hệ thống âm thanh– ánh sáng, màn hình LED hoành tráng. Đạo diễn Phan Danh, đến từ TP Hồ Chí Minh là người góp phần tạo nên sự đối chọi ánh sáng - bóng đêm của show diễn. Toàn Trung, thành viên nhóm nhảy Milky Way đảm nhận vai nam chính của vở diễn - người vượt mọi trở ngại đi tìm bản thể của chính mình. Những kĩ năng của một vũ công nhảy được Trung thể hiện đắc địa trong vai diễn.

Tinh thần dàn dựng sân khấu của Tuyết Minh chính là tinh thần cuộc thi Color Zoom 2015 của Goldwell. Derrick Zeno, nhà tạo mẫu tóc chiến thắng trong Color Zoom 2013 nhận xét về chủ đề cuộc thi năm nay: “Tính thời thượng trong định vị thời trang năm nay là lấy mảnh ghép từ những nền di sản khác nhau, những thập kỷ khác nhau, những thời đại khác nhau rồi kết hợp lại theo hướng hoàn toàn mới”.

Nhà tạo mẫu tóc Vũ Văn Kiềm, một trong 5 nhà tạo mẫu dự thi hạng mục Sáng tạo cho biết phá cách dựa trên những nguồn cảm hứng truyền thống để tạo nên sự thanh lịch thời thượng là tiêu chí mà anh và đồng nghiệp thể hiện trong cuộc thi.

Cuộc nổi loạn của Tuyết Minh

“Kẻ nổi loạn truyền thống” là sự vùng vẫy, nổi loạn của biên đạo múa Tuyết Minh. Chị chia sẻ: “Nghệ thuật múa của Việt Nam chưa hề nổi loạn. Trong 3 dòng truyền thống, hiện đại và đương đại, phần lớn vẫn trung thành với những cách thức thể hiện quen thuộc, chưa có sự pha trộn, đụng độ nhằm tạo nên khác biệt, phá cách”.

Không khó để khán giả nhận ra, nỗ lực đổi mới nghệ thuật múa đã nhen nhóm và dần rõ rệt trong nhiều tác phẩm Tuyết Minh giới thiệu đến công chúng. “Con tạo xoay”, “Tình yêu Hà Nội”- những vở múa gây tiếng vang của chị đều có sự hiện diện của hiphop, dancesport, nhạc điện tử, màn hình LED,…Tuy nhiên, như chính vị giám khảo của “Thử thách bước nhảy” tự nhận, hai vở trên đều rất “hiền”. Và chỉ đến “Kẻ nổi loạn truyền thống”, việc đưa các yếu tố nghệ thuật vào thế đối chọi tuyệt đối, chị mới thực sự cảm thấy mình được “cháy” hết mình với những thử nghiệm nghệ thuật.

   

Trao đổi với báo giới, Tuyết Minh thường xuyên sử dụng cụm từ “truyền thống và nổi loạn”. Một cách tương xứng và đối lập, chị không để “truyền thống” song hành với hiện đại, đương đại hay hậu hiện đại. Thực ra, đó là thói quen thường ngày, không phải “hiệu ứng” từ chương trình chị làm biên đạo. Với Tuyết Minh, động từ “nổi loạn” là hiện thân cho một cá nhân. Theo chị, khởi nguyên của  sự thay đổi trong nghệ thuật, cuộc sống luôn bắt nguồn từ  cái tôi cá nhân khát khao cái mới, khát khao phản biện lại chính mình và truyền thống.

Tuyết Minh hiện là chuyên viên của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Chị cho biết nếu là một chương trình đặt hàng của Bộ Văn hóa, hay một chương trình phục vụ tuyên truyền thì có lẽ chị và ê-kip không có cơ hội thể nghiệm hết mình như thế. 

Tối 23/8, chương trình nghệ thuật lớn nhất năm của Goldwell Việt Nam được tổ chức tại sân vận động Quần Ngựa (Hà Nội) với chủ đề “Traditional Rebels – Kẻ nổi loạn truyền thống”, phô diễn những màn trình diễn nghệ thuật tổng hợp. Ngoài tôn vinh những mẫu tóc và các nhà tạo mẫu tóc trong top 5 Color Zoom, chương trình xướng tên 2 giải vàng đại diện Việt Nam tham gia thi đấu trực tiếp với giải vàng các nước khác tại Las Vegas (Mỹ) vào tháng 10 tới.