Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, vừa ký báo cáo gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… về dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam.
Theo đó, hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ hơn 51 triệu m3, dung tích hữu ích hơn 47 triệu m3, dung tích chết gần 4 triệu m3 và hệ thống kênh, các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 874 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương hơn 519 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2025.
Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết…
Sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, Bình Thuận giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban QLDA) hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Đến thời điểm hiện nay, dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt. Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đang tổ chức kiểm tra thực địa các khu vực các đơn vị chủ rừng đăng ký trồng rừng thay thế để đảm bảo tính khả thi, làm cơ sở để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
Về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM), Ban QLDA đã hoàn thành các thủ tục chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn lập ĐTM trước đây. Ngày 24/1, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn thống nhất chủ trương chỉ định thầu để hoàn chỉnh báo cáo ĐTM dự án. Ban QLDA đã phê duyệt dự toán chi phí và ký kết hợp đồng với nhà thầu mới để thực hiện hoàn thiện báo cáo ĐTM dự án.
Việc bổ sung hồ sơ thẩm định dự án, bổ sung khối lượng khảo sát theo nội dung yêu cầu của Cục Quản lý xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị tư vấn thiết kế cơ bản đã hoàn thiện hồ sơ và gửi cho đơn vị tư vấn thẩm tra để tổ chức thẩm tra dự án.
Ban QLDA đã phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Nam lập phương án về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với diện tích Nhà nước thu hồi đất của dự án.
UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phù hợp của nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động môi trường, xã hội của dự án; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan cân nhắc kỹ, quyết định quy mô, phương án kỹ thuật phù hợp, khoa học, tối ưu, vừa bảo đảm mục tiêu của dự án, vừa bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Tổ chức rà soát kỹ, nghiên cứu, bổ sung đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường, xã hội của Dự án bảo đảm chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật…
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận giao Ban QLDA phối hợp với các sở, ban ngành triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tôn giáo và các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu nội dung bản kiến nghị phương án giải quyết liên quan đến việc di dời Dinh Cậu.