Ngày 29/4, lãnh đạo UBND TP. Dĩ An (Bình Dương) cho biết, Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương phạm vi thu hồi đất thuộc 2 phường Bình An và Bình Thắng (TP. Dĩ An). Qua quá trình kiểm kê, tổng số trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án thống kê đến thời điểm hiện tại khoảng 515 trường hợp.
Về tái định cư, lãnh đạo TP. Dĩ An cho hay, qua khảo sát sơ bộ, công trình có trên 300 trường hợp có nhà bị giải tỏa trắng hoặc phần diện tích đất còn lại không đủ xây dựng nhà ở phải giải quyết chính sách bố trí nền tái định cư.
Căn cứ số nền tái định cư hiện có trên địa bàn TP. Dĩ An, Hội đồng bồi thường dự định bố trí nền đất tại 6 khu tái định cư trên địa bàn với tổng cộng 284 nền.
Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 26,06 km, trong đó, dự án thành phần 2B - Nút giao Tân Vạn dài 2,53 km; đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,23 km; đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 85,86ha. Tổng mức đầu tư đoạn qua tỉnh Bình Dương 19.280 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 4.432 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 13.528 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 532 tỷ đồng và chi phí dự phòng 789 tỷ đồng. Dự kiến khởi trong năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Chủ tịch UBND TP. Dĩ An Võ Văn Hồng cho biết, do quỹ nền tái định cư trên địa bàn hiện còn thiếu so với nhu cầu thực tế, địa phương đã đưa ra hướng xử lý theo 2 phương án.
Đối với phương án 1: TP. Dĩ An giao UBND phường Bình Thắng nắm tình hình các hộ dân về việc bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư, báo cáo UBND TP. Dĩ An để có giải pháp báo kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương.
Đối với phương án 2: TP. Dĩ An liên hệ 2 địa phương lân cận là TP. Thủ Dầu Một hoặc TP. Thuận An hỗ trợ bố trí nền tái định cư đối với số trường hợp còn thiếu. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thi công sớm hoàn thiện hạ tầng đất công phường Đông Hòa (TP. Dĩ An) để kịp bố trí nền tái định cư cho dự án.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Dĩ An cho biết thêm, hiện địa phương đang gặp khó trong vấn đề về giá đền bù cho các hộ dân, do có sự chênh lệch giá đất giữa TP. Thủ Đức (TPHCM) và TP. Dĩ An (Bình Dương).
Ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND TP. Thuận An (Bình Dương) cho biết, đến nay thành phố đã thực hiện công tác đo đạc đất đai, kiểm kê tài sản bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3. Thuận An có trên 500 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3. Theo ông Tâm, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ thủ tục, trình phê duyệt để triển khai các khu tái định cư: An Thạnh (phường An Thạnh), Bình Đức (phường Lái Thiêu).
Sáng cùng ngày, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương vừa có quyết định thành lập Tổ tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Tổ này được thành lập gồm 15 thành viên, do ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân Vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương làm Tổ trưởng.
Nhiệm vụ của Tổ là tiếp nhận, phân loại ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân về các công trình, dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động công dân đồng thuận, chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng; phối hợp chuyển phản ánh, kiến nghị của công dân đến chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng xem xét, trả lời.
Các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Dương thuộc diện theo dõi, giám sát gồm: Cầu Bạch Đằng 2; Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa); Đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; Dự án BOT nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 13; Đường cao tốc TPHCM– Thủ Dầu Một – Chơn Thành; Đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM.