Thiếu nữ thôn bản đi chợ chi hơn 4 triệu mua bộ váy áo diện Tết
TPO - Chợ Đoàn Kết ở biên giới Việt - Lào những ngày cuối năm thu hút rất đông du khách ở các nơi tìm về. Theo tiểu thương chợ này, những bộ váy áo truyền thống bán rất chạy, mỗi bộ có giá hơn 4 triệu đồng nhưng gần Tết nên nhiều người mua, đặc biệt là những thiếu nữ trẻ.
Phiên chợ biên giới Việt Nam - Lào những ngày cuối năm.
Chợ biên Nậm Cắn nằm ở khoảnh đất trống giữa 2 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) và cửa khẩu Lào, cách trung tâm thành phố Vinh (Nghệ An) gần 300 km, cách trung tâm huyện Kỳ Sơn gần 30 km. Vì nằm giữa 2 cửa khẩu nên chợ còn có tên gọi khác là chợ Đoàn Kết.
Trước đây, mỗi tháng chợ được tổ chức họp 2 lần. Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, chợ được tổ chức vào dịp cuối tuần. Khuôn viên chợ có hàng trăm ki-ot với các khu vực bày bán từ hàng nông sản, thực phẩm cho đến các sản phẩm thủ công, đồ dùng, quần áo...
Phiên chợ biên giới Nậm Cắn là nơi giao thương hàng hóa cũng là nơi giao lưu nét đẹp văn hóa của người dân 2 nước Việt Nam - Lào. Vậy nên ai cũng muốn một lần được ghé thăm để thưởng thức không khí, mua sắm những sản phẩm độc đáo tại phiên chợ này.
Từ tờ mờ sáng, khi màn sương còn bao phủ dày đặc các bản làng thì phiên chợ đã bắt đầu họp. Tiếng nói cười, trò chuyện của kẻ bán người mua tạo nên khung cảnh tấp nập, sôi động.
Chính sự tập nập và độc đáo, phiên chợ thu hút rất đông tiểu thương, du khách Việt Nam và Lào ghé tham quan, mua sắm.
Tại chợ bày bán các sản vật do chính người dân bản địa làm ra từ bó rau, củ quả đến đồ dùng, thủ công. Trong đó nhiều nhất là gian hàng bán rau cải mèo được người dân trồng trên những ngọn núi cao.
Chợ bán nhiều gà dân bản tự nuôi.
Những nông sản, hoa quả người dân tự trồng ra được.
Đông vui nhộn nhịp nhất là những quầy hàng bán thịt nướng.
Những miếng thịt, cuộn lòng được nướng vàng ruộm trên bếp than. Mùi thơm từ những gian bếp nướng tỏa ra thu hút người dân, du khách đến thưởng thức.
Đến với chợ, du khách có thể thưởng thức những món ăn nóng hổi ngay tại bếp.
Nhiều em nhỏ được bố mẹ cho tiền đến chợ mua những tấm quà, gói bánh nhỏ...
...được mẹ cõng cùng đi chợ biên.
Quầy hàng bán đồ thổ cẩm, trang phục của đồng bào dân tộc với đầy đủ màu sắc sặc sỡ.
Nhiều thiếu nữ tranh thủ đến chợ chọn mua những bộ trang phục truyền thống để diện vào dịp Tết cổ truyền.
Cứ mỗi lần phiên chợ tổ chức, chị Hờ Y Dếnh (32 tuổi, trú xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) lại lên soạn sửa gian hàng bày bán các loại quần áo thổ cẩm, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Những bộ trang phục được người dân bản địa tự thêu, dệt. Một số được chị Dếnh mua từ nơi khác về bán. "Cuối năm, người dân, du khách đến chợ rất đông nên dễ buôn bán hơn ngày thường. Đặc biệt là những bộ váy áo truyền thống bán rất chạy", chị Dếnh nói và cho biết, mỗi bộ váy áo có giá hơn 4 triệu đồng nhưng gần Tết nên nhiều người mua, đặc biệt là những thiếu nữ trẻ.
Dịp cuối năm, phiên chợ tấp nập kẻ bán người mua.
"Tuần nào chợ biên tổ chức tôi cũng lên chợ để mua hàng. Rau và thực phẩm ở đây rất tươi ngon, đa dạng. Đặc biệt là giá cả phải chăng, người bán không nói thách, người mua không mặc cả rất dễ mua, tạo nên một không khí nhộn nhịp, sôi động", bà Trần Thị Lan (trú thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nói.