Thí sinh từ chối vào thẳng đại học rất tự tin

Đó là em Lê Nguyên Minh Huyền (18 tuổi, ngụ tại số nhà 1/8 kiệt 143 đường Phan Bội Châu, phường Trường An, TP Huế). Em là 1 trong 6 thí sinh khiếm thị được đại học Huế đặc cách tuyển thẳng vào đại học nhưng em đã từ chối.
Em Huyền thuộc dạng thí sinh khiếm thị được tuyển thẳng vào đại học, nhưng bây giờ mắt đã sáng nên em quyết định dự thi vào ngành tiếng Nhật và ngành đàn Tam thập lục

Liên tục bị tai nạn

Huyền cho hay, năm học lớp 3, em tự ngã trong nhà và gãy tay trái. Đến năm em học lớp 9, trên đường đi học, tự nhiên không thấy mọi thứ xung quanh nên bị xe đụng gãy tay lần 2.

Năm học lớp 11, trong giờ học thể dục em bị húc đầu vào tường khiến đầu sang chấn chảy máu.

Những tai nạn trên đều chỉ do một nguyên nhân là đôi mắt của em không được như người bình thường.

Mẹ Huyền nhớ lại: “Trong lúc cháu đang chuẩn bị trong kỳ thi tuyển sinh lên lớp 10, tôi thấy cháu có biểu hiện lạ khi nhìn không rõ mọi thứ xung quanh, ngay cả chân mình cháu cũng không thấy, chữ viết trong vở thì bị lệch hàng. Khi tôi hỏi thì cháu nói đi học đã không còn nhìn thấy chữ trên bảng.

Gia đình rất lo lắng và nhanh chóng đưa Huyền đi tới bệnh viện để khám mắt vào ngày 19.5.2011. Bác sĩ kết luận thị lực em chỉ còn 2/10, hơn một tháng sau đến ngày 4.7 thị lực tụt xuống chỉ còn 1/10. Điều làm bác sĩ lo ngại là em có thể bị thoái hóa võng mạc sắc tố giống như bệnh của người cha mình”.

Từ một cô học trò hồn nhiên, tươi vui, hiếu động ngày nào em trở nên ít nói và rụt rè hơn vì cứ sợ bị những tai nạn do không nhìn rõ xảy đến bất cứ lúc nào.

“Thật sự lúc ấy em cảm thấy mặc cảm, chỉ thích ở nhà, không muốn ra ngoài, cũng không muốn mọi người vào chơi, kể cả hàng xóm, bạn bè cùng trang lứa, cùng lớp. Sức học của em trở nên yếu trầm trọng trong thời gian đó”, giọng Huyền chùng xuống khi kể về quãng thời gian khó khăn vừa trải qua.

Điều kỳ diệu

Sau khi biết con mình gần như bị mù, gia đình đã làm thủ tục xin cho Huyền vào Trung tâm giáo dục hướng nghiệp trẻ em thuộc hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào được hội em cùng với 4 bạn khác được đặc cách vào học cấp III tại trường THPT Hai Bà Trưng. Do em được uống thuốc đều đặn gần 3 năm, dần dần “cửa sổ tâm hồn” của em được phục hồi.

Và một điều kỳ diệu đã xảy ra khi cuối học kỳ I năm lớp 12 mắt em đã gần như sáng ra, có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Cả gia đình, bạn bè người thân của em gần như được vỡ òa khi đôi mắt của em nhìn thấy được mọi vật trở lại.

Từ cấp 1 đến hết cấp 2, Huyền và 2 em đều được cha kèm cặp các môn văn hóa. Em tự hào nói về cha: “Môn toán em đọc đề và suy nghĩ làm bài, cha em dù không viết ra được giấy nhưng ông vẫn làm được và giảng cho em hiểu. Tích tắc là cha ra đáp số thôi”. Còn môn tiếng Anh thì mẹ em dạy.

Năm Huyền 8 tuổi, em thi đậu vào trường Học viện âm nhạc Huế hệ trung cấp chuyên ngành đàn Tam Thập Lục. Dù thời gian đó mắt em không nhìn rõ nhưng vẫn có thể học được ngành này và em đã tốt nghiệp vào năm 2013.

Huyền vẫn thuộc diện khiếm thị nên được đặt cách vào khoa luật và khoa công tác xã hội của trường ĐH Khoa học Huế. Nhưng cảm thấy mắt đã sáng nên em cảm thấy phải tự mình thi chứ không nên “ỷ lại” để được ưu tiên.

Thêm vào đó, em cảm thấy mình cũng không có năng khiếu học luật nên đã ký cam kết và dự thi “sòng phẳng” như những thí sinh bình thường khác.

Huyền đăng kí thi khối D1 vào ngành tiếng Nhật thuộc Đại học Ngoại ngữ Huế, rồi dự thi khối N (Văn, năng khiếu) vào ngành đàn Tam thập lục hệ đại học thuộc Học viện Âm nhạc Huế, trong đó môn văn xét điểm từ học bạ, còn môn năng khiếu gồm ký âm, xướng âm và môn chuyên ngành.

Đồng thời, em cũng đăng ký dự thi vào cao đẳng Tiếng Nhật thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Huế nhưng khi biết ngày thi của cao đẳng trùng với ngày thi bên học viện nên em sẽ không dự thi.

Tuy mắt mới sáng trở lại trong gần nửa năm nay nhưng em đã nổ lực học tập để bù đắp lại những kiến thức bị hỏng từ trước.

Huyền chia sẻ vừa thử giải đề thi khối A1 trong đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa rồi. Môn Toán em làm được khoảng 5 điểm, còn môn tiếng Anh thì được 6 điểm nhưng sợ rằng ở nhà tâm lý thoải mái em mới làm được như vậy, chứ vào phòng thi sợ thấp hơn.

“Nhưng với hành trang kiến thức của mình, em tự tin có thể hoàn thành bài thi vào đại học như những thí sinh khác. Nếu em mà đậu cả đàn, cả tiếng Nhật thì em sẽ theo học ngành tiếng Nhật vì em đã đam mê học ngoại ngữ từ nhỏ”, Huyền nói.

Theo Nguyễn Phương

Theo Một thế giới