Trường ĐH Quốc tế- ĐHQG TPHCM có điểm sàn dao động từ 16 đến 20 điểm. Trong đó, đa số các ngành có điểm sàn là 17 (13/21 ngành), nhiều ngành khác lấy 16 điểm. 2 ngành có điểm sàn cao nhất (20 điểm) là Ngôn ngữ Anh; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Trường ĐH Luật TPHCM công bố điểm sơ tuyển từ xét học bạ và điểm thi THPT quốc gia. Có 3.799 thí sính vượt qua gia đoạn sơ tuyển, 55 thí sinh trúng tuyển theo diện xét tuyển thẳng.
Điểm sơ tuyển gồm điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 của thí sinh chiếm tỷ trọng 60% và điểm học bạ của thí sinh trong 3 năm học trung học phổ thông chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển.
Các thí sinh đủ điều kiện ở giai đoạn 1 được tham gia kỳ kiểm tra năng lực vào ngày 21/7. Cấu trúc đề kiểm tra năng lực bao gồm 4 nhóm kiến thức gồm: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; Kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); Kiến thức về pháp luật; Tư duy lôgíc và khả năng lập luận.
Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên giấy với 100 câu hỏi trong thời gian 75 phút. Thang điểm cho bài thi là 30. Kết quả kiểm tra năng lực và danh sách trúng tuyển được công bố chiều ngày 24/7/2019.
Trường Đại học Văn Hiến mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019 dao động 15- 17 điểm tùy theo các ngành đào tạo bậc ĐH chính quy, không phân biệt tổ hợp xét tuyển.
Điểm sàn là điểm 3 môn thi/bài thi trong tổ hợp xét tuyển, không nhân hệ số, được làm tròn đến 2 chữ số thập phân và là mức điểm dành cho học sinh THPT khu vực 3. Mức chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm tương ứng với 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) mức điểm xét tuyển từ 16 – 19 điểm tùy theo ngành. Đây là mức điểm tối thiểu thí sinh cần đạt để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Điểm nhận hồ sơ xét tuyển = Tổng điểm thi 3 môn + Điểm ưu tiên (nếu có)
Theo đó, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao nhất thuộc về ngành Luật quốc tế với 19 điểm; Công nghệ truyền thông và Quan hệ quốc tế có mức điểm xét tuyển là 18; Kinh doanh quốc tế, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Công nghệ thông tin có mức điểm 17; các ngành còn lại là 16 điểm.