Thi sĩ Việt Phương, những lần gặp

TP - Nên gọi ông bằng chức danh gì nhỉ? 53 năm là thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cũng là người giúp việc cho các yếu nhân Tổng Bí thư Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh rồi sau này là các Thủ tướng Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt. Nhưng chợt nhớ lần ông bộc bạch, đời tôi nếu có phần nào hữu ích thì 80 phần trăm nhờ Thơ, còn 20 phần trăm là những gì còn lại.
Nhà thơ Việt Phương năm 2002. Ảnh: Xuân Ba.

Hơn 20 năm trước, lần đầu gặp ông ấn tượng về một Việt Phương tác giả Cửa Mở hình như ít hơn con người thực? Hình hài cùng cách nghĩ, lối nói chỉ là độ trung niên, có khi trẻ hơn thế khi người ấy tự giới thiệu đã vào tuổi thất tuần. Như cái đoạn thể thao, ông nói mình mệt phải đi bơi chứ chưa bao giờ bơi mà mệt. Có chút vậm vạp, nhưng cân đối. Mái tóc muối tiêu xõa xuống vầng trán phẳng phiu thấp thoáng một Việt Phương trẻ trung khoáng đạt.

Chất giọng nhỏ nhẹ và lành. Ông đang rủ rỉ về cái đận Cửa Mở. Tập thơ đầu tay năm 1970 mà in với số lượng 5.000 bản bây giờ thì nhiều nhưng thời ấy là khiêm tốn. Nhưng hình như mọi thời vẫn là kỷ lục về việc bán chạy? Chỉ 2 tuần hết vèo. NXB đang định in thêm thì đùng cái, ối những xì xào rằng Cửa Mở đang có vấn đề!

Nên trân quý hay phải thở dài cho sự chuộng thơ nhất là thơ hay của người Việt mình? Không phải thuộc tầng nấc hay ngạch thậm chí tuyp viết lách, chữ nghĩa nào cả. Nhưng rất nhiều các công, nông, viên chức và cả binh thời ấy đã thuộc không nhiều thì ít hoặc lõm bõm thơ của Việt Phương trong Cửa Mở. Người ta thấy lạ nên tò mò rồi đâm thuộc đâm nhớ bởi trong mặt bằng viết lách hồi ấy nhất là thơ chả ai có giọng điệu và cách nghĩ lẫn cách nói như Việt Phương?

Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ.

Hoặc Đến từng giờ trọn đời là cộng sản / Trong nỗi đau ta cũng sáng búa liềm và Đời bật đèn xanh cho sự sống/ Ta hồi sinh trong mỗi cái hôn đầu rồi Chẳng đợi riêng ai ta đợi cả / Nhân cuộc đời ta lên tình yêu Hay Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi …

Đâu đó những bàn ra tán vào, có người rùng mình nghĩ đến những suy diễn vô lối thời điểm Nhân Văn giai phẩm từng cột cổ ối người?

Còn tác giả Cửa Mở thì sao?

Có vấn đề là kiểu nói, cách nói của một hình thức buộc tội, hình thức kỷ luật hầu hết là bất thành văn đối với một người viết bị coi sai lầm trục trặc về mặt tư tưởng những năm xa ấy? Mà tác giả Cửa Mở lại là thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhà thơ Hoàng Trung Thông vốn la bạn ông hơi bị sốt ruột bởi những xầm xì này khác đã nhanh nhảu có ngay một bài trên Nhân Dân. Nhưng oái oăm cái phần thi sĩ kiêm Viện trưởng Viện Văn học Hoàng Trung Thông tâm đắc lại bị xén cắt sao đó nên chỉ còn trơ khấc lại những lời lẽ cho phải nhẽ của những bài viết được coi là có hơi hướng phê bình  trong thời điểm ấy! Thế là lại vô tình thêm rối...  Người ta lại thêm có cái “cớ’’ để mà bàn ra tán vào.

Rồi sau đó có hẳn một cuộc hội thảo để bàn về Cửa Mở cùng tác giả. Cuộc họp tại NXB Văn học ngày 12/11/1970 gồm Huy Cận. Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Hoàng Xuân Nhị, Nông Quốc Chấn. Huyền Kiêu,  Lưu Trọng Lư. Thanh Tịnh, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Trung Thông, Xuân Tửu, Tế Hanh, Bùi Hiển, Vũ Khiêu, Phan Cự Đệ, Phạm Hổ, Khái Vinh, Trần Dũng Tiến (Văn Giáo) Phan Hiền và Việt Phương. Cuộc họp do Như Phong, Giám đốc NXB Văn Học chủ trì. Xin trích biên bản  cuộc họp ấy.

Đầu tiên là phát biểu của nhà thơ Chế Lan Viên.

Ở các cuộc họp khác không nhắc đến con người tác giả. Ở đây nhắc đến tác giả là cần thiết. Chính sự cần thiết ấy để khẳng định không nhắc Nhân văn hay Nobel ở đây.

Nên hiểu một người để đọc sách họ. Nên hiểu cả một tập thơ chứ không phải một vài câu. Nếu đọc riêng một vế “mong cho chóng lớn mà ăn  cướp” thì oan cho người viết quá!  Có lần tôi đã nói đến thơ Tố Hữu mà đọc tách từng câu cũng sẽ bị hiểu lầm! Tại sao không chú ý cả bài thơ của người ta?

… Tôi từng bảo anh Việt Phương nên đăng báo để độc giả tập làm quen với thơ mình... Cho nên khi in thành sách thì vội. Nhìn vào tập thơ trước khi đưa in, tôi thấy có nhiều người khen có người chê, có người chưa hiểu.

… Thơ có quyền và cần đi vào suy tưởng. Việt Phương đã đến một dạng và phải trả giá bằng suy tưởng của mình do đó tập thơ có sức nặng do đó đọc xong tập thơ thì người ta muốn đọc lại... Có sự dũng cảm nhưng vì thiếu thực tế thiếu vốn sống nên có bài rơi vào duy lý không khéo sa vào duy tâm…

Đếm tỷ lệ số câu số bài chưa đạt ít. Phải nhìn vào cơ bản tốt... Cũng  như Thái Bình 7,8 tấn  nhưng có những thửa còn bỏ hoang... Trong văn học hiện nay, tính bảo thủ còn nặng hơn sáng tạo. Người  nào muốn tiến lên thì phải trả giá. Mời anh Việt Phương cứ tiếp tục....

Thời gian đó có một cán bộ quân sự là bạn Việt Phương kể lại, một cán bộ chính trị quân đội đã trình lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả một “phương án’’ phê bình Cửa mở đã làm “rối’’ hậu phương quân đội ra sao nhưng Đại tướng nghe xong đã lẳng lặng gạt đi! Đồng chí Trường Chinh (nhà thơ Sóng Hồng thi thoảng có tặng thơ Việt Phương) khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng, một bữa có gặp Việt Phương chỉ cười mủm mỉm “Mình đọc rồì... Có hơi hướng neo-sur alisme (siêu thực mới)’’ rồi thôi! Nhà thơ Tố Hữu (có thói quen bài thơ gì tâm đắc thường đưa Việt Phương đọc rồi mới “dám’’ đưa Bác Hồ) khi đó là Ủy viên Bộ chính trị thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhắn Việt Phương tới rồi thân tình đập đập tay lên cuốn Cửa mơ và nói bằng tiếng Pháp “Việt Phương nên hạ xuống mặt đất và đi vào cái hằng ngày’’.

Nhà thơ kiêm công chức Việt Phương không thể ngờ rằng thơ mình đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc mà đọc ở tận… Liên Xô! Số là Việt Phương có cô em vợ đang học tập bên Liên Xô. Cô lại chỗ quen thân với Lê Vũ Anh con gái TBT Lê Duẩn. Thời ấy mà Cửa Mở được xuất khẩu ra nước ngoài kể cũng ghê! Ấy là cách nói vui của những cuốn sách, tờ báo hiếm hoi tiện theo chân anh chị em ta sang bên Liên Xô học tập, công tác. Cô em vợ một lần về phép tiện tay bỏ vào va ly cuốn Cửa Mở. Không ngờ sang đó mọi người chuyền tay nhau đến nhàu cả ra…

Mang máng nghe rằng ở trong nước Cửa Mở đang bị coi là có vấn đề. Dịp đó TBT Lê Duẩn sang Maxcơva họp. Lo lắng cho người anh rể, cô em đã tìm đến cái kênh người thân là con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn thì phải? Và không biết bằng cách nào có thể là qua kênh con gái Lê Vũ Anh rằng cuốn sách đang có vấn đề. Rồi cuốn Cửa Mở truyền tay nhau đến nhàu ấy đã tới được tay TBT Lê Duẩn. Bấn bíu việc công như thế mà TBT đã giành thời giờ đọc ngắt quãng (vì bận) vài ngày mới hết.

Cô em vợ Việt Phương nhẹ bỗng người khi trong một lần gặp gỡ chung hiếm hoi đã chứng kiến TBT Lê Duẩn lắc đầu cười với cả bọn rằng mình biết Việt Phương chứ… Việt Phương là người tốt. Cửa mở không có vấn đề gì!...

Chuyện vẫn chưa dừng ở đó.

Người ta tổ chức một cuộc họp khá quy mô không phải là dạng cấp thấp để bàn về Cửa Mở. Sau này có người nói lại với Việt Phương, người ta đã mời đích danh TBT đến dự. Nhưng cũng có người nói TBT Lê Duẩn được nghe báo cáo rằng có một cuộc họp như thế… với nội dung như thế… Ông Lê Duẩn đã buông một câu thế không còn việc gì để bàn nữa à! Rồi bất ngờ, ông xuất hiện trong cuộc họp ấy. Hai tiếng đồng hồ không hơn không kém, Tổng Bí thư trong cuộc họp, chả đả động gì đến Cửa mở mà thao thao mà hào sảng  về những vấn đề của văn học nghệ thuật về thơ ca (tôi nhớ khi hỏi nhà thơ Việt Phương là có bản ghi cuộc nói chuyện ấy không thì ông cũng có ý tiếc, chắc là có nhưng chưa tìm được)!

 Và “ấm lưng’’ nhất vẫn là cung cách ứng xử của Đảng bộ Văn phòng Phủ thủ tướng. Một công văn từ nơi đây đã được gửi tới những cơ quan có trách nhiệm, đại ý: Đảng bộ không có trách nhiệm nói về văn học nghệ thuật nhưng những tư tưởng trong Cửa mở là hoàn toàn của Đảng! Cuối năm ấy trong cuộc bình xét  chọn ra 3 đảng viên xuất sắc nhất để trên khen thưởng thì nhà thơ Việt Phương có trong số đó. Năm ấy cũng là đợt bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng cấp trên,Việt Phương cũng trúng với số phiếu cao! Kể lại những chuyện này giọng ông ngùi ngùi “tôi được che chở nhiều quá. Nhiều anh em viết còn thua thiệt lắm lắm...’’.

Hẳn trong nghề chữ nghĩa viết lách, ối anh viết non, láo và ẩu phải giật mình khi biết được năm 82 tuổi, nhà thơ Việt Phương mới làm đơn xin nhập Hội nhà văn Việt Nam?

Dịp Geneve 60 năm, đến nhà riêng ở khu Hoàng Cầu, may mắn được ông kể cho nghe chuyện bếp núc Hội nghị. Phái đoàn Việt Nam DCCH có 32 người cả thảy. Tinh những ưu tú. Những Phạm Văn Đồng - Thủ tướng, Trưởng Đoàn. Những Luật sư Phan Anh, bằng Tiến sĩ Kinh tế, tiến sĩ Luật. Tạ Quang Bửu, tu nghiệp ở Pháp có tới 5 bằng kỹ sư. Còn Trần Công Tường Tiến sĩ Luật học…

Năm 2014 ấy, phái đoàn xôm tụ ấy còn mỗi 5 người. Đại tá Hà Văn Lâu tuổi tròn 96. Cụ Lê Danh  phụ trách lễ tân đã 87 tuổi. Ông Đoàn Đỗ là văn thư của Đoàn cũng chẵn 88 tuổi. Người trẻ nhất còn lại là cụ Nguyễn Lanh tuổi cũng đã 82 tuổi. Thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Việt Phương thay mặt cho nhóm 5 cụ còn sống vinh dự được lên phát biểu và nhận phần thưởng cao quý: Anh hùng LLVT cho phái đoàn đàm phán. Ra đến ngõ, ông còn ới lại ghi ký tặng cho tập thơ Nắng xuất bản năm 2013.

Lâu không gặp. Mấy lần nhảo qua chợ Thái Hà có ý chùng chình trước cảnh cổng khóa của tư gia tác giả Cửa Mở vì ngại quấy phiền. Lần gần đây, người nhà ông cho hay ông đang bị mệt… Và bây giờ phái đoàn Geneve hình như chỉ còn lại 3 người? Sau sự ra di của Đại tá Hà Văn Lâu là việc về cõi của thành viên Trần Quang Huy tức nhà thơ Việt Phương.

Nhà thơ Trần Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy, sinh năm 1928. Ông đã qua đời sáng ngày 6/5 tại Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi. Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động bí mật chống thực dân Pháp. Năm 1947, ông về làm việc tại Văn phòng Chính phủ.