Thu hồi tài sản tham nhũng vụ Vinalines:

Thi hành án thiếu trách nhiệm hay do luật lỏng lẻo?

TP - Bản án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án phải thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước. Tuy vậy, cơ quan này nại ra lý do, luật yêu cầu người được thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Song nguyên đơn dân sự, tức phía được thi hành án nói, “Cơ quan chuyên môn còn không làm được, chúng tôi làm sao đây?”.
Mai Văn Phúc - Cựu Tổng giám đốc Vinalines, bị tuyên tử hình cùng mức bồi hoàn 110 tỷ đồng. Ảnh: Bảo Thắng

“Chưa thể thụ lý đơn thi hành án”

Ngày 31/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về nội dung thu hồi tài sản tham nhũng, xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) và Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, 2 doanh nghiệp này đã có bản báo cáo chi tiết xung quanh vụ việc.

Cụ thể, đối với Vinalines, sau khi bản án hình sự sơ thẩm ngày 16/12/2013 và bản án hình sự phúc thẩm ngày 7/5/2014 có hiệu lực pháp luật, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngày 29/1/2015, Tổng công ty đã gửi đơn yêu cầu thi hành án tới Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Theo đại diện Vinalines, kèm theo đơn yêu cầu, còn có các tài liệu về việc đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội ra quyết định thi hành án buộc các bị cáo có tên trong bản án phải nộp số tiền hơn 28 tỷ đồng, do phạm tội tham ô tài sản và bồi thường hơn 330 tỷ đồng về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cho Vinalines.

Nhưng, theo ghi nhận của Vinalines, sau khi nhận đơn cùng tài liệu nói trên, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã phản hồi bằng công văn số 1132. Theo đó, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho rằng, căn cứ vào Luật Thi hành án cùng các văn bản hướng dẫn, người được thi hành án khi yêu cầu thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Trường hợp người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác định được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh và phải xuất trình các tài liệu chứng minh đã xác minh nhưng không có kết quả.

Cũng theo văn bản phúc đáp của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, Vinalines chỉ cung cấp được một phần thông tin tài sản của Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines), Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, những người phải thi hành án còn lại  không có thông tin về tài sản. Mặt khác, Vinalines chưa gửi kèm các tài liệu chứng minh việc đã đi xác minh tài sản của những người phải thi hành án nhưng không có kết quả. Do vậy, Cục Thi hành án chưa thể thụ lý đơn này và chưa giải quyết đơn của Vinalines.

Nguyên đơn dân sự kêu trời

Cũng theo ông Vũ Anh Minh, trên thực tế, các nguyên đơn dân sự (Vinashin, Vinalines) đã tuân thủ các quy định của pháp luật, trong việc thu hồi tài sản tham nhũng tại các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy vậy, ông Minh cho rằng, khi triển khai đã gặp vô cùng khó khăn.

Về việc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định của Luật, bà Ngô Thị Vân Chung (Ban Pháp chế - Thanh tra của Vinalines) lý giải, đơn vị mình là doanh nghiệp kinh doanh, nên việc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án thực sự gặp nhiều trở ngại. Thực tế, ngay cả cơ quan thi hành án có đầy đủ chức năng, quyền hạn cũng gặp khó khăn rất nhiều khi đi xác minh điều kiện thi hành án. Do vậy, việc thi hành án trong vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm vẫn chưa có hiệu quả.

Liên quan đến việc xử lý ụ nổi 83M, đại diện Vinalines phân trần, do trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng có văn bản thông báo ụ nổi 83M là tang vật vụ án. Nhưng, trong bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm không có phần tuyên án về xử lý ụ nổi 83M, do đó Vinalines vẫn chưa biết xử lý như nào. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, Vinalines đã 3 lần gửi văn bản đến Bộ Giao thông vận tải để đề nghị hướng dẫn, xin ý kiến bên cơ quan điều tra về việc xử lý tang vật ụ nổi 83M (bán hay thanh lý) nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến khoản tiền hơn 1.100 tỷ đồng phải thu hồi ở Vinashin, đơn vị này khẳng định đã có các văn bản đề nghị thi hành án. Tuy nhiên, phía Cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) mới đây đã lên tiếng, cho rằng, quá trình tố tụng, cơ quan chức năng không tiến hành kê biên tài sản. Phía cơ quan thi hành án chưa phát hiện tài sản nào khác của đương sự, do vậy, đã quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án số tiền trên.