Cần sửa luật để thu hồi bằng được tài sản tham nhũng

Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) cùng vợ trong phiên xử hồi tháng 5/2014. Ảnh: Bảo Thắng
Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) cùng vợ trong phiên xử hồi tháng 5/2014. Ảnh: Bảo Thắng
TP - “Đó là tài sản nhà nước, các đơn vị kia chỉ là đại diện, được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản, chính vì vậy, khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án phải có trách nhiệm phối hợp cùng pháp nhân trong quá trình thu hồi tài sản”. Đó là khẳng định của thẩm phán Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội khi trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo ông Chính, nếu là tài sản cá nhân, đó là câu chuyện khác, nhưng khi các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, họ phải có trách nhiệm với khối tài sản này. Cơ quan thi hành án cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Thưa ông, nên hiểu thế nào về một bản án đã có hiệu lực pháp luật?

Đó là những bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị hợp lệ, tức là thời hiệu kháng án, kháng nghị đã kết thúc; những bản án phúc thẩm, hoặc không có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái phẩm. Khi đó, tất cả các bên liên quan được thể hiện trong nội dung bản án phải có nghĩa vụ tuân thủ, có trách nhiệm thực thi các quy định trong bản án, hoặc quyết định của cơ quan xét xử.

Quay lại 2 vụ “đại án” ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Cty hàng hải Việt Nam (Vinalines) được TAND Tối cao xét xử phúc thẩm giữa năm 2012 (Vinashin) và giữa năm 2014 (Vinalines), theo ông, đây là những vụ án đã có hiệu lực pháp luật chưa?

Chắc chắn là đã có hiệu lực.

Ở vụ án Vinashin, tổng số tiền phải thu hồi trên 1.144 tỷ 105 triệu đồng. Tuy nhiên, gần đây, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã chính thức trả lại đơn yêu cầu thi hành án của 6 Cty được xác định là nguyên đơn dân sự, với thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, vì thiếu cơ sở. Còn ở vụ Vinalines, đến nay Vinalines chưa hề có đơn yêu cầu thi hành án, do vậy cơ quan thi hành án chưa có cơ sở xử lý số tiền đã thu và tài sản kê biên.

Vậy, nếu các nguyên đơn dân sự không có đơn yêu cầu thi hành án, số tiền hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước sẽ đi về đâu, công điều tra, xét xử sẽ đổ xuống sông, xuống biển, thưa ông?

Câu chuyện này có 2 vấn đề. Trước tiên, theo Luật Thi hành án dân sự, nghĩa vụ của bị cáo phải thi hành các quy định tại bản án đã có hiệu lực pháp luật. Tiếp nữa, đối với pháp nhân (nguyên đơn dân sự trong vụ án), cơ quan nhà nước phải ra quyết định thi hành án.

Nhưng những nguyên đơn dân sự này không có đơn yêu cầu thi hành án, do đó, cơ quan thi hành án nói rằng, họ không có cơ sở để thực thi?

Đây là tài sản của Nhà nước, thuộc sở hữu Nhà nước. Cơ quan thi hành án buộc phải ra quyết định thi hành. Có phải cá nhân đâu mà đơn. Không nhất thiết bị hại có đơn mới làm. Lúc này, cơ quan thi hành án phải phối kết hợp với nguyên đơn dân sự để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Cảm ơn ông.

Cần sửa luật thi hành án

"Phía cơ quan thi hành án cho rằng, nếu căn cứ vào luật, họ chỉ thi hành khi có đơn yêu cầu. Và thực tế, Vinalines chưa có đơn, cho dù, bản án có hiệu lực pháp luật án tuyên họ bị thiệt hại lớn. Tôi cho rằng, chúng ta cần xem xét đến việc sửa Luật Thi hành án. Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng khối tài sản của Nhà nước, cũng như tăng trách nhiệm đối với cơ quan thi hành án trong việc thu hồi tài sản công”.

(Thẩm phán Trương Việt Toàn, 

Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội)

MỚI - NÓNG