Theo chân tài xế đường dài - Bài 2: Đủ chiêu đối phó

TP - Để kiếm thêm thu nhập, không ít tài xế đường dài mạo hiểm bằng cách leo đèo để tiết kiệm tiền phí qua hầm, qua trạm thu phí. Thậm chí, nhiều tài xế chở hàng cấm, chở quá tải… sợ CSGT lập biên bản, họ nghĩ ra “trăm phương ngàn kế” để đối phó.
Phát hiện CSGT bắn tốc độ…

Tuyệt kỹ… nháy đèn

Lâu ngày gặp, nhóm tài xế cùng chúng tôi hàn huyên bên bữa tối phần lớn là thịt gà. Trong lúc nhâm nhi xíu rượu táo mèo cho trọn tình bằng hữu, Hải - một bạn thân của Huân nhìn chúng tôi nói sang sảng: “Xe tui ra Nghệ An lên hàng khoảng hai ngày mới vô Nam lại, nên xíu tui qua xe ông cầm lái để thằng Huân nghỉ ngơi chứ nó thức trắng từ tối hôm qua đến giờ”.     

Gần 23 giờ, hai chiếc container rời quán ăn. Huân điềm tĩnh, ít nói. Hải thì ngược lại, cách cư xử còn dính chút bặm trợn của gã giang hồ ngày nào. Để chứng minh mình thuộc hàng tài xế đường dài với hơn 10 năm kinh nghiệm, Hải chủ động tiết lộ các “bí quyết” mà cánh tài xế Bắc - Nam thường rỉ tai cho nhau để đối phó với CSGT.

0 giờ, thời khắc đường sá dường như chỉ dành cho xe khách, xe container thi nhau “đua”. Mặc dù mỗi tỉnh thành đều có hai trạm CSGT chốt chặn, ngoài ra còn có lực lượng cảnh sát “phục kích” bắn tốc độ, nhưng Hải vẫn không ngại đạp ga, vượt mặt nhiều xe tải, xe khách lưu thông phía trước. Nhiều đoạn chiếc container trôi theo trớn với vận tốc hơn 85 km/giờ.
Lạnh người!

“Ông yên tâm đi, chạy xe đường dài phải có “bùa hộ mệnh”, vừa nói Hải vừa nháy đèn pha liên tục vào chiếc xe khách chạy ngược chiều, khi hai xe gần chạm mặt, thấy tài xế xe khách lắc bàn tay qua lại thì Hải cười nói: “CSGT thường chốt ở đoạn đường phía trước không có làm, mấy ổng chắc đang giao ca”.

Lưu thông khoảng 50 km, Hải điều khiển kính bên tài xuống rồi giơ thẳng ngón tay trỏ và ngón tay giữa ra giống như khẩu súng đang “bắn” vào chiếc xe container chạy ngược chiều. Ngay lập tức, tài xế xe này chỉ tay xuống vô lăng của mình. Không nói không rằng, Hải nhanh chóng giảm tốc độ. 

Lúc này kim đồng hồ chỉ vào con số 38 km/giờ. “Công an bắn tốc độ phía trước ông ơi. Giảm tốc độ ngay chứ “dính chấu” là cuối tháng không có sữa mang về cho con”, Hải nói. Đúng như dự đoán, xe chạy thêm khoảng 4 km thì chúng tôi bắt gặp một số CSGT đứng ở vị trí khuất để bắn tốc độ.

Bỏ hầm, vượt đèo Ngang

Gần 24 giờ thức trắng, chúng tôi lơ mơ ngủ trên chiếc ghế phụ lúc nào không hay, lúc mở mắt ra thấy xe đang ì ạch bò lên con dốc với những khúc cua tay áo thì hỏi Hải: “Ông leo đèo à”. “Hầm Đèo Ngang ngắn ủn mà thu phí một xị (trăm) luôn. Tui leo đèo tốn có nửa tiền dầu, ra Bắc vô Nam dồn lại nhiều nơi như thế này tính ra mỗi tháng dư cả triệu đồng”.

   

Tung chiêu “Tào Tháo” rượt       

Tới địa phận tỉnh Hà Tĩnh, dọc hai bên đường người dân đang còn chìm vào giấc ngủ. Lúc này Hải đạp ga tính vượt qua chiếc container phía trước thì phát hiện đèn màu đỏ chớp nháy liên tục phát ra từ trần chiếc xe công vụ thuộc một chốt CSGT của tỉnh này. Một CSGT rọi đèn pin, giơ gậy yêu cầu hai xe dừng lại. Một CSGT đứng dưới cabin xe container phía trước liên tục hỏi: “Tài xế đâu, sao không xuống xe để chúng tôi kiểm tra?…”. 

Thấy không ai trả lời, CSGT này vòng qua hỏi người thanh niên đang ngồi ở ghế phụ: “Tài xế đâu”. Bất ngờ, người này chỉ tay vào hàng cây xanh bên đường nói: “Nó ở trong bụi kìa, ông vô đó mà kiếm”. Lúc này giọng một người đàn ông từ bên trong hàng cây vọng ra: “Em đau bụng quá anh ơi, đợi em…”.

Mặc dù chúng tôi rất muốn biết thực hư câu chuyện thế nào, lực lượng CSGT xử lý tình huống này ra sao, nhưng lúc này một CSGT khác kiểm tra giấy tờ, xe… của Hải xong yêu cầu phải lăn bánh. Tủm tỉm cười, Hải nói: “Ông nội tài xế đó một là uống rượu sợ đo nồng độ cồn, hai là chở hàng quá tải, hàng cấm nên kiếm chuyện kéo thời gian để mấy bác CSGT nản lòng rồi cho qua”.

Cũng theo Hải, ngày trước anh ta còn cầm vô lăng xe tải, chủ yếu chở hàng nóng (hàng không lạnh), Hải thường lén chủ xe chất thêm hàng hóa “chui” để kiếm thêm thu nhập. Nên mỗi khi gặp CSGT sợ bị phạt, sợ chủ xe biết chuyện đuổi việc… nên Hải cũng như các tài xế khác nghĩ ra “trăm phương ngàn kế” để đối phó với CSGT. Nhiều kế sách mà Hải từng ứng phó còn độc, lạ hơn người tài xế nói trên.

Rạng sáng, Hải tấp vào một quán cháo lươn ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sau khi dùng bữa xong, Huân trở về xe cùng chúng tôi tiếp tục thu ngắn đoạn đường đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Mặc dù cầm lái cẩn thận, bình tĩnh hơn Hải, nhưng khi qua những tuyến đường thông thoáng, nắm chắc thông tin CSGT không chốt chặn, Huân tranh thủ đạp ga để chạy đua với thời gian.

 Khi xe đến huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, chúng tôi còn “mắt nhắm mắt mở” thì bất ngờ Huân đạp phanh, tấp xe vào, phía trước đầu xe là chiếc xe công vụ của lực lượng CSGT. 

Huân vừa bước xuống thì một CSGT giơ tay chào và hỏi: “Chúng tôi yêu cầu dừng xe, sao anh không thực hiện mà vẫn tiếp tục cho xe chạy?”. Ngay lập tức Huân trả lời: “Ông ngậm còi ông thở nó kêu…ông thở nó kêu…tui biết đâu mà dừng. Mà xe chở hàng lạnh có quá tải đâu mà ông thổi”. Sau khi kiểm tra giấy tờ… nhắc nhở thái độ của tài xế xong, CSGT yêu cầu xe chạy.

Khóc ròng vì “bảo bối” chống súng bắn tốc độ

Tài xế đường dài luôn bị ám ảnh bởi “tai nạn” từ “trên trời rơi xuống” khi bị CSGT yêu cầu dừng xe rồi thông báo phương tiện tham gia giao thông chạy quá tốc độ qui định. Để đối phó lại, ngoài việc nháy đèn, dùng dấu hiệu, điện thoại… chỉ cho nhau đoạn đường có và không có CSGT, hay CSGT đang “mai phục” bắn tốc độ…,

 Những năm gần đây, cánh tài xế kháo tin nhau về loại máy phát hiện súng bắn tốc độ. Cứ nghĩ khi sở hữu “bảo bối” này là có thể vi vu đạp hết ga hết số, nhưng khi “bảo bối” không chịu nghe lời, khiến không ít tài xế phải ôm hận.

Tài xế nháy đèn, hướng hai ngón tay như khẩu súng về phía trước để thông báo xe chạy ngược chiều có CSGT bắn tốc độ.

Nói về việc sử dụng thiết bị chặn “súng không đạn” của CSGT, Huân lắc đầu: “Ngày trước còn chạy hàng nóng, việc chất thêm hàng hóa, chạy quá tốc độ, CSGT phạt…là chuyện bình thường”. Từ khi cánh tài xế rỉ tai nhau về thiết bị máy phá sóng súng bắn tốc độ thì Huân cũng là một trong những “nạn nhân” của thiết bị “siêu hiện đại” này. Để sở hữu, Huân bỏ ra số tiền gần 5 triệu đồng mua về gắn vào cabin xe.

 Mặc dù biết rõ những tuyến đường thường xuyên bắn tốc độ, nhưng để thử nghiệm “bảo bối” có hữu dụng hay không, mỗi khi lưu thông, Huân cho xe chạy quá tốc độ cho phép. Mặc dù đèn báo, âm thanh của thiết bị này cảnh báo đã phá sóng súng bắn tốc độ khoảng 1 km, nhưng khi xe đến chốt CSGT cách đó không xa thì nhận lệnh ngừng xe, thông báo xe quá tốc độ 45/40 km/giờ. Nghĩ chiếc máy phá sóng bị lỗi, Huân yêu cầu người bán đổi lại máy khác.  

Yên tâm với chiếc máy phá sóng mới đổi, nhãn mác, tem bảo hành còn chưa ráo mực, Huân thử nghiệm ngay, có những đoạn cho xe chạy gần 120 km/giờ. Khi vừa bước qua khỏi cao tốc, xe bị lực lượng CSGT thông báo vượt quá tốc độ qui định. Công dụng thực tế của chiếc máy phá sóng đâu không thấy, mà ngược lại, tài xế này phải đóng tiền phạt, tiền mua máy… với số tiền hơn chục triệu đồng.

Ngón trỏ chỉ xuống vô lăng là CSGT bắn tốc độ.
Theo tìm hiểu của PV, mỗi lần phát hiện sóng “súng” bắn tốc độ của CSGT, thiết bị phá sóng sẽ báo “tít, tít”, đèn đỏ gần nút nguồn liên tục chớp đỏ. Tuy nhiên, mặt hạn chế của thiết bị này mỗi khi xe lưu thông qua trạm thu phát sóng, hệ thống thiết bị điện tử…thì máy cũng báo có sóng “súng” bắn tốc độ, khiến cho tài xế không biết đâu mà lần về chuyện CSGT đang bắn tốc độ hay máy phá sóng báo bậy.  

Tuấn, tài xế đi chung chuyến với Hải tiết lộ, cách đây mấy tháng, ông Hòa, chủ một công ty chuyên vận tải hàng hóa Bắc - Nam ở Đồng Nai nhờ người thân ở nước ngoài gửi về 10 máy phá sóng thuộc loại hàng “vip” để trang bị cho dàn xe container của mình. Công dụng đâu không thấy, ngay sau khởi hành khoảng 400 km thì 7 trong 10 xe  bị CSGT lập biên bản về lỗi vượt quá tốc độ. Giờ nhắc tới thiết bị này, ông Hòa chắp tay vái vì lỡ chơi dại.

               ____________

 (Còn nữa)

Sau mấy ngày bầm dập theo chân tài xế Bắc - Nam, chúng tôi chỉ nghe từ họ những chiêu đối phó với công an, cách nạp chất kích thích cho tỉnh người, mà chẳng ghi nhận được ở họ sự cẩn trọng phía sau tay lái. Họ xem thường sức khỏe, tính mạng của bản thân và người đi đường.

Để “thuận buồm xuôi gió” cho chuyến dài, trước khi xe lăn bánh, tài xế, chủ xe chuẩn bị một khoản “lộ phí” để “lì xì”… dọc đường. Có mặt trên các chuyến xe vào Nam ra Bắc, chúng tôi chứng kiến không ít cảnh “giao dịch” chóng vánh giữa họ với CSGT ở các trạm, các chốt trên các tuyến đường xe đi qua.