Đó là một trong số hàng trăm cuốn sách cổ mà ông Văn Đình Rẹ (cụ nội anh Văn Như Mạnh) để lại. Trước đây, cụ Rẹ là thầy dạy học thời triều Nguyễn.
Là người thích và theo học hán nôm nên anh Văn Như Mạnh đã lược dịch: Cuốn sách “Khải đồng thuyết ước” do Kim Giang Phạm Phục Trai, thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) biên soạn xong năm 1853, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh người ở Bái Dương (huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định) chỉnh sửa, bổ sung.
Bìa cuốn sách được làm bằng mo cau, bên trong viết trên giấy dó, dày 37 tờ viết hai mặt với nhiều nội dung nói về con người, sông núi, địa giới các tỉnh - thành, biển đảo… của Việt Nam. Đây là cuốn sách được chép bằng tay của triều Nguyễn, dùng để dạy học cho học sinh tiểu học thời bấy giờ.
Trang số 10 của cuốn sách có tấm bản đồ tên “Bản quốc địa đồ” (bản đồ của toàn quốc), ghi lại vị trí của tất cả các tỉnh thuộc Việt Nam bấy giờ, từ Nam Quan đến Hà Tiên. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được ghi rõ trên tấm bản đồ này là thuộc quốc nội của Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Mạnh và cuốn sách “Khải đồng thuyết ước”. Ảnh: Hoàng Lam
Năm 2012, PGS-TS Phạm Thị Thùy Vinh, Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam cũng đã xem và cho biết cuốn sách “Khải đồng thuyết ước” mà gia đình anh Mạnh đang cất giữ là bản viết bằng chữ Hán được sao từ văn bản sớm nhất, gần với văn bản gốc nhất nên trên bản đồ thể hiện đầy đủ chủ quyền về biển đảo của Việt Nam. Phần về Hoàng Sa được ghi là Hoàng Sa chử (Bãi cát vàng), dưới phần ghi Hoàng Sa và Trường Sa có ghi hai chữ là quốc nội. PGS-TS Phạm Thị Thùy Vinh đánh giá cuốn sách là “tài sản quốc gia”.
Ông Lê Trung Đức, Phó chủ tịch UBND phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2012, khi nhận được thông tin gia đình anh Văn Như Mạnh đang cất giữ cuốn sách quý, chính quyền thị xã cùng ngành chức năng đã đến làm việc với gia đình, đề nghị gia đình làm cam kết lưu giữ cuốn sách cẩn thận.