Miền Trung, tháng bảy này - Kỳ cuối:

Thế Hiển trong một chiều nghĩa trang

TP - Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Thế Hiển rất chi là lầm lì, kiệm lời. Ấy thế mà tôi cũng moi được một khúc nhôi… Khúc ấy là thời điểm cha mẹ Thế Hiển từ đất Nam Định vuột phát đi Nam theo thời thế. 
Nghệ sĩ ưu tú Thế Hiển ở Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn tháng 7 năm 2016. Ảnh: Nguyễn Trọng Nghĩa

Một Thế Hiển đa chiều

Sinh ở Sài Gòn năm 1955.  Hằn đậm trong ký ức tuổi thơ của Thế Hiển cho đến giờ là băn khoăn nếu ở nhà buột mồm nói tiếng Nam, ba má không những la mắng mà cho một cái tát nên thân. Phải vậy không mà đến giờ Thế Hiển giọng cứ rặt Bắc?  

Nhưng cha quý Thế Hiển lắm. Phải thế nào cậu mới được cha cho dự những cuộc trà cà phê đãi đằng những văn nghệ sĩ Đoàn Quốc Sĩ, Vũ Bằng, Tạ Tỵ… Cha Thế Hiển, cấp úy tâm lý chiến của quân đội Việt Nam Cộng hòa vốn có máu thơ văn thường giao du với đám viết lách Sài Gòn khi đó ngay tại nhà.  Bạn bè của cha cũng thi thoảng trầm trồ ngón đàn ghita của cậu bé Thế Hiển, mặc dù có khiếu âm nhạc nhưng đờn còn dở ẹc!

Rồi sự kiện tháng 4/1975.

Cha Thế Hiển đi học tập cải tạo tít tận một trại giam ở Hoàng Liên Sơn. Thời gian đầu có nhận được tin, nhưng rồi bặt vắng. Mãi sau cả nhà mới hay, ông mất bệnh trong trại.

Như người khác thì là hụt hẫng bơ vơ.  Bởi cái lý lịch đen ngòm. Cha sĩ quan tâm lý chiến là thứ dữ khi ấy. Lại chết trong trại cải tạo. Ông già mày bị thủ tiêu đó… Không ít người kích Thế Hiển hối, giục anh vượt biên, nhưng chàng thanh niên khôi ngô ít nói ấy cứ lẳng lặng. Thế Hiển không bơ vơ. Người quen giới thiệu rồi anh được lựa vào Đoàn ca múa Bông Sen bất chấp cái lý lịch đen. 

Thế Hiển chịu thương chịu khó việc gì cũng làm. Đi lưu diễn vào thời khó, lại chưa tiếng tăm gì, được cái Thế Hiển chịu thương chịu khó. Việc gì cũng làm.  Bưng bê đồ đoàn, phục vụ cơm nước, cà phê cho các anh, chị diễn viên. 

Thế Hiển lọt vào mắt xanh của ông thầy - ca sĩ nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương được thầy rèn cặp nhiều thứ. Thế Hiển được theo học chương trình trung cấp thanh nhạc của thành phố. Thế Hiển luôn nằm lòng cái điều ông thầy Quốc Hương truyền dạy đại loại rằng, cái người hát có mấy loại. Một là loại từ miệng. Hai, từ cổ họng. Ba, từ gan, ruột, tim, phổi mình. Hai thứ đầu coi như bỏ, không bao giờ trở thành nghề hát được!

Rồi theo thầy khuyên, Thế Hiển bàn với má lẳng lặng làm một chuyến ra Bắc. Một mình Thế Hiển về thăm quê gốc Nam Định. Rồi Thế Hiển tìm về đất Yên Bái ngày trước thuộc đất Hoàng Liên Sơn, nơi có phần mộ cha ở bìa rừng. Thế Hiển sụp quỳ xuống. Những hồi ức xưa vụt ùa về. Cái đêm mai đi thi tú tài, cha anh chốc chốc lại ghé qua bàn con học lặng lẽ đặt trước mặt con trai ly nước mát… 

Thế Hiển thắp nhang xin cha được cải táng phần mộ để di dời vào đất phương Nam.  Ngày ấy xe cộ đò giang cách trở nhưng Thế Hiển đã hoàn thành được tâm nguyện của má và gia đình. Sau chuyến di dời mộ ấy, cơ chế mỗi ngày thêm thông thoáng hay vong linh người cha phù hộ chả biết mà  ca sĩ Thế Hiển được lựa đi biểu diễn ở nước ngoài?

Thôi đành trích ngang chút lý lịch của Thế Hiển như vậy. Khi tôi gặp và biết thì đã hiện diện một NSƯT  Thế Hiển với vốn liếng đã khá xôm.  Thế Hiển có khoảng gần trăm ca khúc trong đó hơn 40 ca khúc được phổ biến. “Dấu chấm hỏi”, “Người mẹ và hoa sưa trắng”, “Người phu xe”, “Nhong nhong nhong”, “Cho dù có đi nơi đâu”, “ Hát về anh…”… từng găm dài dài trong tâm trí người mến mộ ca khúc Việt. Vẫn còn một số ca khúc mà Thế Hiển chưa công bố. Bí quyết nào đã làm nên một Thế Hiển? Phải vì nằm lòng bí quyết của ông thầy Quốc Hương là sự thành tâm, thành thực? Rằng, những ca từ phải từ tim từ ruột chứ không lờ vờ từ cổ họng phát ra? Sáng tác cũng như hát đều phải có lửa. Cái gen trội của Thế Hiển là vậy?

Nổi tiếng hay có danh thế nào tôi không quan tâm - Thế Hiển thành thực - nhưng tôi luôn tâm niệm một điều là viết sao cho dung dị, dễ hát, truyền được cảm xúc của mình đến với mọi người để người ta nhập cuộc, chia sẻ.

Một thứ  trội không dễ thấy ở Thế Hiển là sự âm thầm quyết liệt. Gần như đó là phương tiện để Thế Hiển gặt hái được những thành công. Và đó cũng là thứ dung môi để Thế Hiển luôn giữ được mình luôn là Thế Hiển? Dạo ầm cả lên chuyện Thế Hiển đạo nhạc Nga cho ca khúc Tóc đuôi gà

Có ai chứng kiến đâu, ngoài Thế Hiển bần thần, ăn năn bên cô gái và cái xe đạp vành bị xoắn vỏ đỗ. Vội vàng hấp tấp, Thế Hiển tông đằng sau vào xe đạp một cô gái không quen biết có dáng học trò với mái tóc đuôi gà. Mọi sự xin lỗi đền bù đã xong nhưng trở về nhà Thế Hiển cứ bần thần mãi. Thời gian bần thần dài đến độ những giai điệu và ca từ của Tóc đuôi gà cứ thế nối nhau cho đến khi ca khúc hình thành.

Rồi vỡ ra việc đồn thổi ầm ĩ. Nhưng Thế Hiển lại không ầm ĩ theo. Bề ngoài Thế Hiển vẻ lặng lẽ nhưng ít ai biết được những âm thầm quyết liệt Thế Hiển đã làm để bảo vệ danh dự cho mình. Cả đến khi nơi cái trung tâm phát ra sự vu khống ấy ngỏ lời xin lỗi, Thế Hiển vẫn chưa thôi và lặng lẽ vác đơn ra tận Hội Nhạc sĩ Việt Nam để làm rõ trắng đen trước bàn dân thiên hạ. Người ta nhớ đến một Thế Hiển năm 1987 nhiều người can ngăn nhưng Thế Hiển đã rời bỏ Đoàn Bông Sen để ra ngoài làm một ca sĩ tự do.

 Vậy Thế Hiển có cái chất cực đoan không nhỉ? Chả rõ. Có ai đã nói về những cuộc ly hôn về những tan vỡ hôn nhân rồi lại tục huyền rằng giữa cái tệ hại và cái xấu chọn cái xấu vẫn hơn nghĩa là cũng chả phải là tuyệt vời gì? Nhưng trong sâu thẳm gọi là cái hơn ấy là cái được. Được là người ta được sống thực với mình, cho mình chứ không sống giả làm vừa mắt thiên hạ và ngay cả với những người thân. Khó mà lý giải ba cuộc hôn nhân của Thế Hiển rồi mà vẫn dang dở?

Và một chiều nghĩa trang

Nhạc sĩ Thế Hiển (trái) ở Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn năm 2013. Ảnh: XB

…Đến nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Thế Hiển như phát lộ con người khác vậy? Đã đành truyền thông từng bắt đúng mạch một Thế Hiển rằng hễ cứ đến với người lính, bập vào đề tài biên giới biển đảo là y như rằng ló dạng một Thế Hiển sinh sắc, sống động khác với vẻ lặng lẽ đến lầm lì thường ngày. Có lẽ Thế Hiển bén duyên được với sáng tác và nổi tiếng chỉ khi sau thời điểm ca khúc Hát về anh người chiến sĩ biên cương… mà anh viết năm 1983 khi đi biểu diễn ở mặt trận biên giới phía Bắc.  


Bén duyên diễn lẫn duyên sáng tác. Năm 1984 đi Mặt trận Campuchia, Thế Hiển có Nhánh lan rừng. Sau này đi Trường Sa Thế Hiển có Những vỏ ốc biển… Lại đang nói dở về Thế Hiển ở nghĩa trang Trường Sơn. Ngân hàng BIDV của ông Bắc Hà tổ chức một đại lễ cầu siêu rất trang trọng tại nghĩa trang Trường Sơn có mời Thế Hiển đến dự.

Phần việc Thế Hiển tham góp thể hiện bốn ca khúc của anh và của nhạc sĩ khác. Khi mọi người tản ra thắp hương cho các phần mộ, Thế Hiển bất ngờ cầm ghita sải những bước chầm chậm giữa những hàng bia mộ, có lúc anh sụm hẳn xuống với tư thế quỳ. Và hát.

Rừng mờ sương khuya bóng tối quân thù trước mặt. Nặng tình non sông anh dâng trọn tuổi đời thanh xuân…

Bài cứ nối bài.  Những ca từ lúc thì thầm khi cao vút. Những sải bước của Thế Hiển lúc nhanh khi chậm từ khu mộ địa phương này đến phần mộ liệt sĩ tỉnh khác.  Tôi nghe chuyện có ca sĩ từng đến hát cho các liệt sĩ Trường Sơn nghe, nhưng chưa được chứng kiến. Bữa nay Thế Hiển có theo gương của ca sĩ nào đó không? Chả biết, nhưng cái động thái cầm đàn bất ngờ sải những bước dứt khoát ra khu mộ của Thế Hiển hồi nãy chừng như anh đã ấp ủ, đã dự định từ trước? Mà có thể là ngẫu hứng mà động thái thoắt cứ như vong nhập?

Cái bóng khi nhanh chậm bảng lảng của Thế Hiển trong sương chiều Trường Sơn khiến tôi nhớ đến mấy tháng trước mấy anh em viết lách vô dự hội thảo ở Tạp chí Cửa Việt cũng ghé nghĩa trang này. Trong đoàn có nhà thơ Nguyễn Hữu Quý ở Văn nghệ Quân đội. Quý rủ tôi vào khu mộ liệt sĩ quê ở Quảng Bình và dừng lại trước một nấm mộ ghi tên liệt sĩ Lê Thị Liên…

 Sau khi dâng hương, bất đồ, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý với âm lượng như vẫn đọc, trình diễn thơ ở các diễn đàn dõng dạc một mạch cảm khái một bài thơ.

Sau đó Nguyễn Hữu Quý đã kể lại câu chuyện của mình.

“Cô bạn gái cùng quê với tôi, tên là Liên. Liên học cùng tôi cấp 1, cấp 2, khi tôi vào cấp 3 thì cô ấy đi bộ đội. Đây là cô gái miền biển dễ thương, có giọng cười đem cái thương cái mến/ chia đều cho mỗi chúng tôi. Liên hi sinh khi còn rất trẻ, chỉ khoảng 18 tuổi. 

Năm 1978, khi lên nghĩa trang Trường Sơn, tôi tình cờ phát hiện ra ngôi mộ của Liên, bao nhiêu kỷ niệm thời niên thiếu ùa về. Ngay tối hôm đó, tôi đã viết một mạch xong bài thơ “Nhớ về tuổi học trò của một liệt sỹ”. Sau này, tôi đưa hẳn bài thơ thành một chương trong trường ca Vạn lý Trường Sơn. Tôi cũng đã mang tập trường ca ấy vào đây hóa để tưởng nhớ tri ân các đồng đội”.

Chao ôi những nghệ sĩ Việt! Mỗi người đều có một cách, một nghĩa cử để tri ân những người đã khuất vì nghĩa lớn. 

Chất giọng trầm không micro của Thế Hiển hòa quyện với âm thanh bập bùng ghi ta trong bảng lảng sương chiều hòa quyện với nhang khói khắp nghĩa trang, có cảm giác huyền hoặc nửa thực nửa hư.