Thế giới kỳ dị

TP - Có nghìn lẻ một chuyện về những sinh vật bé xíu ấy. Con bọ cánh cứng có bốn cánh, gồm hai cánh cứng và hai cánh mềm. Chỉ khi bay lên, đôi cánh cứng bảo vệ đôi cánh mềm mới nhấc lên.
Bọ ngựa cái thường xơi tái bạn tình trong hoặc sau khi ân ái Ảnh Vũ Văn Liên

Nhìn thấy nó phô bộ vũ như vậy, tôi hỏi: “Vì sao đã có hai cánh cứng lại còn có hai cánh mềm và ngược lại?”. Nhiễu nhương hoặc thích làm đỏm chăng?

Bọ ngựa cái thường xơi tái bạn tình trong hoặc sau khi ân ái Ảnh Vũ Văn Liên.

Kỳ thực không phải vậy. Đôi cánh cứng nhấc lên là để phát huy chức năng của đôi cánh mềm. Chỉ bằng cánh mềm, sinh vật kia mới quạt được gió, mới bay lượn được. Còn đôi cánh cứng chỉ có chức năng giữ thăng bằng khi bay và bảo vệ cánh mềm khi không bay.

Những lý giải chi tiết kiểu như thế đã dẫn đến cuộc cách mạng trong tất cả các lĩnh vực suốt 50 năm qua của nhân loại sau khi hình thành một môn khoa học mới - phỏng sinh học, tức là bắt chước những gì mà sinh vật làm.

Bọ ngựa là côn trùng ít bị côn trùng khác ăn thịt. Ngài, bướm, cào cào, ruồi là thức ăn của chúng. Chúng chờ mồi với chân trước luôn giương lên. Màu sắc ngụy trang lẫn với màu cây. Cũng như các côn trùng khác, ngay sau khi trưởng thành, bọ ngựa thường giao phối ngay để duy trì giống nòi. Con đực có thể nhận biết con cái từ xa nhờ râu đầu.

Song thiên nhiên không cho ai là ngoại lệ. Sinh vật nào rồi cũng có thiên địch, tức kẻ thù tự nhiên. Bọ ngựa dữ dằn lại là thức ăn của chim, bò sát và nhiều loài khác. Cái vòng tuần hoàn sinh thái khép kín theo kiểu như vậy, loài nọ phụ thuộc vào loài kia; loài nọ vừa khắc chế loài kia và, ngược lại, không làm cho loài kia bị tuyệt diệt.

Đến xem triển lãm đầy ắp thông tin này, ta mới thêm hiểu vì sao sâu bệnh trên đồng ruộng dạo này ngày càng lắm, rầy nâu tấn công lúa ngày càng ghê, phun bao thuốc sâu cũng không vừa. Đơn giản vì chúng ta đã chặt đứt cái vòng xích sinh thái, đã tiêu diệt thiên địch của lũ sâu bọ ấy như rắn, rết, cóc, nhái…

Manh nha nghề mới

Có một bức ảnh chụp con bướm kiếm. Con bướm này không chỉ có giá trị bảo tồn, do nó nằm trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nằm trong Danh lục CITES (Công ước Quốc tế về buôn bán các loài nguy cấp), và cũng nằm trong Danh mục B Nghị định 32 của Chính phủ ban hành năm 2006. Không những thế, bướm kiếm rất có giá trị thương mại.

Hơn 10 năm trước, tiêu bản đôi này, một đực một cái, từng có giá gần 2.000 USD ở Việt Nam. Một nhà sưu tầm côn trùng nghiệp dư Nhật Bản cho TS Liên biết, tiêu bản ấy được bán vài chục nghìn USD tại một hội chợ đấu giá côn trùng ở Nhật Bản.

Đấy là mẫu bướm kiếm đầu tiên thu được ở Vườn Quốc gia Tam Đảo. Chúng phân bố chủ yếu ở vùng núi có độ cao trung bình, từ 1.200-1.600 m, thường được tìm thấy trong rừng Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Pù Mát (Nghệ An), Đà Lạt (Lâm Đồng), Đắk Nông. Nhưng bướm kiếm ở Đắk Nông ngày càng khó thấy vì rừng nơi đây bị phá quá nhiều.

Có thể làm giàu nhờ côn trùng? Câu trả lời từ triển lãm là “có”. “Nuôi và xuất khẩu sâu, nhộng, để chuyển sang các nước có khí hậu lạnh. Kén và nhộng, để một đến vài tuần sau, nở thành bướm trong các khu vườn nhân tạo.

Thị trường mua nhiều nhất là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản”, TS Liên lạc quan. “Ngay ở ta đây thôi cũng đã có nơi mua bướm. Một số khu du lịch ở miền Nam thuê bắt bướm để thả vào nhà bướm với giá 500 đồng/con” trong những năm trước.

Theo Báo giấy