Thế giới cosplay của “Bò Kaka”

Là một cosplayer có tiếng trong giới trình diễn cosplay tại TP. HCM, anh bạn Nguyễn Thanh Tùng (biệt danh Bò Kaka, sinh năm 1988, cựu sinh viên trường ĐH Mở TPHCM) thu hút được rất nhiều fan hâm mộ.

Đam mê cosplay từ khi mới vào đại học, Tùng sớm thành công với vai Lambo trong truyện Katekyo Hitman Reborn. Những giải thưởng và danh tiếng trong làng cosplay đến với Tùng liên tục.

Khi lên mạng cũng như khi đi biểu diễn, tên thật của Tùng ít được biết đến bằng cái tên Bò Kaka.

“Trong vai diễn cosplay đầu tiên là nhân vật Lambo, mình khoác bộ áo bò sữa và đeo sừng. Vai này được đánh giá cao và ai cũng gọi mình là “Bò″. Còn “Kaka” là do mình ghép thêm. “Kaka” có nghĩa nụ cười sảng khoái. Cũng có thể hiểu “Kaka” là Kakalot, một nhân vật trong bộ truyện tranh mình yêu thích”, Tùng cho biết.

Với Sebastian, nhân vật mang lại cho Tùng rất nhiều giải thưởng.

Kỳ công cho mỗi lần “cos”

Hầu hết những bạn trẻ mê cosplay đều xuất phát từ đam mê truyện tranh Nhật Bản. Năm 2008, môn trình diễn này mới bắt đầu manh nha ở Việt Nam, Tùng đã gia nhập vào những nhóm cosplay.

Tùng nói: “Mỗi nhóm có một êkíp thiết kế nhân vật, trong đó, có người mẫu, người trang điểm, người thiết kế quần áo, phụ kiện, người chụp ảnh. Có một số người mẫu tự trang điểm, tự tìm quần áo luôn. Trình diễn cosplay, bạn phải học hỏi nhiều về thiết kế, trang điểm, phong cách trình diễn…”.

Trang phục cho nhân vật là bài toán khó. Cũng như nhiều cosplayer, Tùng phải lùng vải vóc tận những khu chợ ở quận 5. Vải và hoa văn phải bổ trợ, giúp toát lên đúng thần thái nhân vật. Người có chút hiểu biết về thiết kế sẽ biết loại vải nào bắt sáng, khi trình diễn giúp cho nhân vật long lanh, trong sáng hay toát lên vẻ nham hiểm…

Tùng chia sẻ: “Mỗi bộ trang phục đầy đủ của nhân vật tiêu tốn 2 – 3 triệu đồng, chưa kể công phu đo, vẽ, cắt. Trước đây, chưa có thợ may trang phục chuyên cho cosplay, tụi mình phải tự làm lấy. Vài năm gần đây, phong trào cosplay phát triển, một số ít thợ may nắm bắt được nhu cầu thị trường nên tụi mình cũng đỡ mệt. Tóc giả và một số phụ kiện hiếm độc, chỉ cần lên mạng đặt là có hàng giao tận nơi”.

Việc đầu tư trang điểm và nhiếp ảnh giờ đây cũng tiến bộ rất nhiều. Tùng cho biết: “Vài năm trước, khi trang điểm, tụi mình chỉ dặm phấn lên mặt, lên sân khấu trình diễn là phấn bong ra. Nay cosplayer đã sử dụng phấn tốt, thoa lót đầy đủ nên không lo hại da nữa. Còn máy ảnh để chụp thì toàn máy xịn.

Một số bạn còn dùng phần mềm Photoshop để làm cho nhân vật thêm phần lung linh. Trên mạng, giờ đây cũng đầy đủ các bài nhạc để tụi mình tập theo, cũng như những đoạn phim giúp tụi mình hình dung rõ hơn về tính cách và thần thái nhân vật”. Với những nhân vật trình diễn có cảnh giao chiến, các cosplayer còn phải tập những pha hành động “y như thật”.

Với tiến bộ của công nghệ số, hình ảnh cosplay đã lung linh hơn. Mong cái nhìn thông hiểu

 

Chơi cosplay tuy hơi tốn kém nhưng không gây nghiện như những trò chơi độc hại. Với Tùng, khi ra sân khấu, được mọi người tán thưởng vì trang phục đẹp, trình diễn ấn tượng là vui nhất.

Anh bạn chia sẻ: “Hồi mới chơi, mình cũng như nhiều bạn bị phụ huynh phàn nàn. Nhưng bây giờ, mọi người cũng hiểu môn này nhiều hơn, biết rõ đây là hình thức vui chơi giải trí lành mạnh. Khi trình diễn thì nhập tâm nhân vật lắm nhưng khi bỏ trang phục ra, tụi mình lại trở lại với cuộc sống thực tế đời thường”.

Ở từng nhân vật hóa thân, Tùng học được những bài học cuộc sống mà tác giả truyện tranh gửi gắm. Còn lên mạng, “Bò Kaka” được các fan hâm mộ quan tâm theo dõi và hỗ trợ hết sức nhiệt tình.

Ở Nhật hay Hàn Quốc, các cosplayer nổi tiếng đi trình diễn thường được hỗ trợ kinh phí. Ở Việt Nam, một số ít cosplayer có tiếng được các nhà tổ chức sự kiện hỗ trợ kinh phí trang phục trong các sự kiện mà họ được mời.

Các đơn vị làm sách, các nhà tổ chức sự kiện văn hóa Việt – Nhật, ngày hội du học Nhật Bản rất thích mời các cosplayer vì sự xuất hiện đặc sắc này sẽ giúp cho các sự kiện tăng phần cuốn hút giới trẻ, phong phú sắc màu.

Theo Theo Sinh viên Việt Nam