THẾ GIỚI 24H: Pháp bồi hoàn Nga nếu không giao tàu Mistral

TPO - Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 22/4 cho biết Pháp sẽ bồi hoàn cho Nga nếu không bàn giao được cho Moskva 2 tàu chiến Mistral theo một thỏa thuận hiện đang bị đóng băng do cuộc xung đột Ukraine.
Tàu chiến lớp Mistral Sevastopol rời cảng Saint-Nazaire, Pháp trong cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên ngày 16/3. Ảnh: AFP-TTXVN.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Hollande nói: “Theo những kịch bản khác nhau, hoặc là chúng tôi nhận tiền hoặc là bồi hoàn”. Đây là lời phản hồi trước những bình luận mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hồi tuần trước rằng ông cho qua việc phía Pháp từ chối bàn giao chiếc tàu thứ nhất song hy vọng tiền mà Nga đã bỏ ra sẽ được trả lại. 

Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 22/4 cho biết, nước này đã chặn đứng một âm của các phần tử thánh chiến nhằm vào nhà thờ mà mục tiêu là “những tín đồ Cơ đốc giáo Pháp.” Phát biểu sau khi thăm 2 nhà thờ tại Villejuif, ngoại ô thủ đô Paris, nơi dường như là mục tiêu của vụ tấn công trên, ông Valls nói: “Việc nhằm vào nhà thờ tức là tấn công vào biểu tượng của nước Pháp”. Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho hay một thanh niên bị cáo buộc dự định tấn công “một hoặc hai nhà thờ” đã bị bắt tại Paris. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22/4 cho biết, nước này đang vũ trang cho Iraq và Syria đối phó với lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông. Theo ông Lavrov, Nga đang cung cấp vũ khí cho quân đội và lực lượng an ninh của hai quốc gia trên và có thể còn hiệu quả hơn tất cả các nước khác. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga không nói rõ chi tiết về vũ khí cũng như đối tượng mà nước này cung cấp.

Trả lời phỏng vấn trên các kênh truyền thanh Nga, ngày 22/4, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov cho rằng, các nước muốn tấn công Iran sẽ phải suy nghĩ kỹ, khi Tehran nhận được các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga. Ông Lavrov nhấn mạnh, một trong các lý do mà Nga bán hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến cho Iran là không muốn nước này trở thành mục tiêu tiếp theo của các hành động sử dụng vũ lực bất hợp pháp. Theo Ngoại trưởng Nga, thực tế hiện nay đang diễn ra với Yemen và cả khu vực Trung Đông cho thấy nguy cơ sử dụng vũ lực bất hợp pháp nghiêm trọng đang hiện hữu.

Hãng TASS ngày 22/4 dẫn nguồn tin quân sự cho biết một vụ phóng tên lửa thử nghiệm từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở Nga đã kết thúc không thành công. Tên lửa bay chệch quỹ đạo và rơi xuống gần một ngôi làng ở tỉnh Arkhangelsk. Tên lửa đã đi chệch quỹ đạo và rơi xuống khu vực gần làng Zabolotie, huyện Kholmogorsk,” - nguồn tin trong cơ quan công lực tiết lộ với hãng TASS. Nguồn tin này cho biết đây là loại tên lửa đẩy vũ trụ thử nghiệm sử dụng nhiên liệu rắn có mang theo thiết bị đo đạc, tổng trọng lượng của tên lửa khoảng 9,6 tấn. Nguồn tin khẳng định, tên lửa bị rơi không gây ra vụ nổ hoặc đám cháy nào. Trong khi đó, hãng AFP dẫn lời một quan chức giấu tên nói rằng tên lửa đã nổ ngay trên bệ phóng, song không có thiệt hại về người.

Cục trưởng Cục Bảo vệ Hiến pháp liên bang Đức (BfV) Hans-Georg Maaßen ngày 22/4 cho biết, số phần tử thánh chiến từ Đức tới tham chiến ở Syria và Iraq đã tăng gấp đôi trong 1 năm qua.Theo ông Maaßen, hiện có ít nhất 680 đối tượng tham gia thánh chiến ở Syria và Iraq theo diện đi "du lịch".  Số liệu của cơ quan tình báo nội địa Đức nêu trên cũng cho biết khoảng 1/3 số người này đã trở lại Đức, trong đó khoảng 50 người từng trực tiếp tham chiến. 

Hãng thông tấn Fars của Iran hôm 22/4 cho biết, 2 chiến hạm của nước này đã đến Vịnh Aden vào thời điểm một ngày sau khi liên quân Arab do Saudi Arabia lãnh đạo tuyên bố kết thúc chiến dịch không kích tại Yemen. Trước đó, Iran nói rằng, hạm đội Hải quân 34 của Iran, bao gồm tàu khu trục Alborz và tàu hộ vệ Bushehr hôm 8/4 đã rời cảng Bandar Abbas ở tỉnh miền Nam Hormozgan nước này để bắt đầu hành trình đến Vịnh Aden. Tuyên bố của Tehran được đưa ra sau khi Hải quân Mỹ hôm 20/4 cho biết, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, được hộ tống bởi tàu khu trục tên lửa USS Normandy, cũng đang trên đường đến khu vực này. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục rót tiền cho các ngân hàng của Hy Lạp chừng nào các thể chế này còn khả năng thanh toán nợ và còn tài sản thế chấp có giá trị. Ủy viên Ban Giám đốc ECB Benoit Coeure đưa ra thông báo trên trong cuộc phỏng vấn ngày 22/4 với báo Kathimerini của Hy Lạp. Theo ông Coeure, áp đặt kiểm soát vốn đã tỏ ra không phải là giải pháp hiệu quả đối với ECB. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Anh Tesco ngày 22/4 đã công bố kết quả kinh doanh trong tài khóa 2014 (kết thúc cuối tháng Hai vừa qua), theo đó lỗ trước thuế lên tới 6,38 tỷ bảng (khoảng 9,57 tỷ USD). Đây là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử gần 100 năm phát triển của Tesco và là khoản lỗ lớn thứ sáu từ trước đến nay của một công ty Anh quốc. Tesco cho biết hơn một nửa trong khoản thua lỗ này, 4,7 tỷ bảng (7,05 tỷ USD), là do giá trị bất động sản của các siêu thị của Tesco bị giảm sút. Trong phiên chiều 22/4, tại thị trường châu Á, giá dầu giảm sau khi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu tuyên bố kết thúc 4 tuần không kích nhằm vào phiến quân Houthi tại Yemen và các nhà đầu tư đang ngóng chờ thông tin về kho dầu mỏ dự trữ của Mỹ được công bố vào cuối ngày. Cụ thể, tại thị trường Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 63 xu Mỹ xuống 55,98 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng hạ 52 xu Mỹ xuống 61,56 USD/thùng. Chuyên gia David Lennox thuộc Fat Prophets Sydney cho biết các nhà đầu tư kỳ vọng kho dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ ngày càng nhiều lên.