THẾ GIỚI 24H: NATO tập đổ bộ đường không lớn nhất từ Chiến tranh Lạnh

TPO - Ngày 26/8, hơn 1.000 lính dù của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã tiến hành cuộc trận trận ở Hohenfels, miền Nam nước Đức. Đây là một phần trong cuộc tập trận đổ bộ từ trên không lớn nhất ở châu Âu kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Lực lượng lính dù Cộng hòa Séc trong cuộc tập trận. (Nguồn: AFP)

Dưới sự chỉ huy của quân đội Mỹ, trên 1.000 lính dù của Đức, Hà Lan và Ba Lan đã thực hiện các bài nhảy dù xuống vùng huấn luyện ở miền Nam nước Đức. Cuộc tập trận này nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận lớn mang tên Phản ứng Nhanh của NATO, nhằm phô trương khả năng sẵn sàng triển khai các lực lượng chiến đấu đa quốc gia chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày trong mọi tình huống khẩn cấp.

Văn phòng báo chí Quân khu miền Nam của Quân đội Nga cho biết, các cuộc tập trận bắn đạn thật đã bắt đầu diễn ra tại trường bắn Adanak của Cộng hòa Dagestan, vùng Bắc Caucasus thuộc Liên bang Nga. Tham gia cuộc tập trận có khoảng 500 binh sỹ và nhiều máy chiến đấu. Trong cuộc diễn tập, lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ thực hành tấn công, phòng thủ và đổ bộ từ trực thăng. Một trong các kịch bản diễn tập là một đại đội lính thủy đánh bộ thuộc hạm đội Caspi, với sự yểm trợ của khẩu đội pháo tự hành, sẽ cố thủ tại một địa điểm khi bị một số nhóm đổ bộ tấn công.

Ngày 26/8, Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavlo Klimkin cho biết sẽ “có một cuộc tranh luận” về việc hạn chế quyền phủ quyết của Nga trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng 9 tới. Theo ông Pavlo Klimkin, sáng kiến hạn chế quyền phủ quyết của Nga tại Liên Hiệp quốc ​​đã được hơn 40 quốc gia ủng hộ. Phát biểu trên kênh truyền hình Inter, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavel Klimkin nhấn mạnh: “Tại phiên họp tiếp theo của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, dự kiến diễn ra ​​vào tháng Chín tới, Ukraine sẽ đưa ra đề xuất giới hạn quyền phủ quyết của Nga tại Tổ chức này”.

Ngày 26/8, trong cuộc điện đàm kéo dài 40 phút được tổ chức theo yêu cầu của Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xin lỗi Thủ tướng Shinzo Abe và chính phủ Nhật Bản về những cáo buộc do thám “gây ra những tranh cãi lớn” tại Nhật Bản. Tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Abe bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” về vụ do thám. “Thủ tướng nói với Tổng thống Obama rằng nếu Nhật Bản bị do thám thì điều đó sẽ đe dọa ảnh hưởng đến lòng tin giữa hai quốc gia đồng minh”. Cũng trong cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đã thảo luận và đạt thỏa thuận về việc hợp tác trong các vấn đề kinh tế ở thời điểm các thị trường toàn cầu đang náo động vì nguy cơ kinh tế Trung Quốc trượt dốc.

Ngày 26/8, chính quyền Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đàm phán với CHDCND Triều Tiên để dỡ bỏ các biện pháp cấm vận mà Seoul đã áp đối với Bình Nhưỡng sau vụ nổ tàu chiến Cheonan năm 2010. Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-Hee cho biết Hàn Quốc đang chuẩn bị mở một kênh đối thoại mới với CHDCND Triều Tiên sau khi hai bên đạt được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng hôm 24/8. “Khi cuộc đối thoại mới bắt đầu, CHDCND Triều Tiên sẽ đề cập đến vấn đề ngày 24/5 và chúng tôi cho rằng có thể giải quyết được điều đó thông qua đàm phán” - ông Jeong khẳng định. Ngày 24/5/2010, Hàn Quốc áp cấm vận và cắt đứt mọi trao đổi với CHDCND Triều Tiên, bao gồm du lịch, thương mại, cứu trợ…

Ngày 26/8, cảnh sát bang Virginia cho biết nghi can sát hại hai nhà báo của đài CBS đã chết trong bệnh viện do tự sát bằng cách bắn bị thương chính mình sau khi bị cảnh sát truy đuổi. Nghi can này tên là Vester Flanagan, 41 tuổi và là người da màu. Trước đó cùng ngày, Flanagan đã bắn chết nữ phóng viên Alison Parker (24 tuổi) và quay phim Adam Ward (27 tuổi) khi hai nhà báo này đang thực hiện một chương trình phát sóng trực tiếp. Vụ việc xảy ra khi Alison Parker đang phỏng vấn khách mời về phát triển du lịch của địa phương cho bản tin đầu giờ.

Trưởng Công tố quân sự Ukraine Anatoly Matios ngày 26/8 cho biết các tòa án nước này dự kiến sẽ tuyên 15 bản án nhằm vào các công dân Nga trong những tháng tới.

Các công tố viên quân sự Ukraine cũng đang điều tra hơn 3.000 vụ án hình sự khác. Những vụ này sẽ được kết hợp thành một vụ duy nhất về tội thành lập các tổ chức khủng bố, có ý phá hoại tài sản và các tội trạng khác.

Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ Ban tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 26/8 cho biết ông Dương Đống Lương đã bị cách chức Cục trưởng Cục an toàn lao động quốc gia. Ông Dương hiện là Ủy viên Trung ương CPC khóa 18 và đang bị điều tra về cáo buộc tham nhũng. Trước đó, ngày 18/8, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) đã tuyên bố tiến hành điều tra ông Dương do bị tình nghi "vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng".

Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết ngày 26/8, những cơn mưa kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão Goni cuối tuần qua đã gây lũ lụt ở khu vực miền bắc Triều Tiên, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 11.000 người khác. “Mặc dù không đổ bộ trực tiếp vào Triều Tiên nhưng cơn bão Goni mang theo mưa lớn đã gây lũ lụt ở thành phố Rason, khiến hơn chục nghìn người dân bị ảnh hưởng”, người phát ngôn của IFRC tại Bắc Kinh thông báo.

Chứng khoán châu Á tiếp tục có một phiên tăng giảm không đồng nhất trên các thị trường trong phiên giao dịch ngày 26/8. Chứng khoán Trung Quốc phiên này cũng vẫn tiếp tục "đỏ sàn", song mức giảm đã "nhẹ" đi khá nhiều, trong khi màu xanh là gam màu chủ đạo trên phần lớn các thị trường còn lại trong khu vực. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,27%, tương đương giảm 37,68 điểm xuống chốt phiên ở 2.927,29 điểm. Chứng khoán Hong Kong cũng giảm 1,52% (-324,57 điểm) xuống 21.080,39 điểm. Các thị trường chủ chốt khác còn lại của châu Á đều tăng điểm, trong đó chứng khoán Tokyo tăng 3,20%; Seoul tăng 2,57%; Sydney tăng 0,69%.