Báo Walla! News dẫn lời những giới chức giấu tên Israel khẳng định số lượng binh sỹ Iran còn duy trì tại Syria chỉ vào khoảng 700-800 người, so với con số ước tính 2.000-7.000 binh sỹ hồi cuối tháng 10/2015. Các quan chức tình báo phương Tây và Israel nhận định rằng mức thương vong cao - nhất là trong số các sỹ quan cấp cao - đã gây bất ngờ cho Tehran, mặc dù hiện chưa rõ con số chính xác.
Truyền thông khu vực ngày 22/12 dẫn nhận định của các chuyên gia thân cận với giới lãnh đạo quân sự và tình báo tại Israel đã ám chỉ rằng chính sự "cho phép" của Nga đã góp phần dẫn đến vụ ám sát thành công thủ lĩnh cấp cao Hezbollah Samir Kuntar trong vụ không kích tại Damascus ngày 20/12. Chuyên gia Alex Fishman giải thích rằng tòa nhà bị phá hủy nằm trong vùng lân cận của thủ đô Syria mà hiện được hệ thống phòng không của Nga bảo vệ bằng các tên lửa S-400 và radar phủ sóng những vùng đất rộng lớn của Israel. Bất chấp vai trò của Nga tại Syria, Moscow vẫn im lặng kể từ sau chiến dịch ám sát trên.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve ngày 22/12 cho biết cảnh sát nước này đã ngăn chặn 2 đối tượng tiến hành một vụ tấn công nhằm vào cảnh sát và binh sỹ tại thành phố miền Trung Orleans. Theo ông Cazeneuve, 2 công dân Pháp, tuổi 20 và 24, đang bị giam giữ để thẩm vấn. Cả 2 được cho là đang liên hệ với một người Pháp khác có thể đang ở Syria, kẻ bị tình nghi là chủ mưu.
Ngày 22/12, Italy thông báo nước này đã trục xuất 64 phần tử cực đoan Hồi giáo trong năm 2015 và tiến hành giám sát 90 tay súng nước ngoài. Đây là một phần trong các biện pháp tăng cường nhằm ngăn chặn các vụ tấn công xảy ra trong lãnh thổ Italy.
Truyền thông Na Uy dẫn một báo cáo của công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Oslo, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tài liệu này được soạn thảo theo ủy quyền của Bộ Ngoại giao Na Uy vào tháng 7/2015. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Na Uy cho rằng báo cáo chỉ phản ánh quan điểm riêng của tác giả và không phải nguồn thông tin duy nhất cung cấp cho chính phủ.
Các lực lượng đòi ly khai của xứ Catalonia (Tây Ban Nha) ngày 22/12 cho biết đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhằm thành lập một chính quyền khu vực ủng hộ độc lập - động thái sẽ tạo ra vấn đề nhức nhối cho chính phủ trung ương Tây Ban Nha vốn đang phải tìm cách đối phó với tác động từ cuộc tổng tuyển cử chưa có hồi kết. Các đảng Junts pel Si và CUP cho biết thỏa thuận trên dự tính về một kế hoạch kinh tế cũng như việc cử ông Artur Mas giữ chức tổng thống tiếp theo của Catalonia.
Chính phủ Mỹ vừa công bố lệnh trừng phạt đối với 34 cá nhân và tổ chức nhằm gia tăng sức ép lên Nga trong vấn đề Ukraine. Quyết định trên được đưa ra ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng nữa. Trong một tuyên bố đưa ra vào sáng 22/12, theo giờ địa phương, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt lần này nhằm vào 14 cá nhân và tổ chức từng hỗ trợ những đối tượng nằm trong diện trừng phạt, 6 phần tử ly khai người Ukraine và 2 quan chức chính quyền Ukraine dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovich.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/12 nói rằng Moscow sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết các tranh cãi tồn tại trong quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine. Ông Putin nói: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ quay trở lại với những vấn đề này nhiều hơn một lần. Chúng tôi muốn bình thường hóa quan hệ (thương mại) với các đối tác của mình như Ukraine và EU”. Tuần trước, ông Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu các quan chức chính quyền đình chỉ khu vực thương mại tự do của Nga với Ukraine từ ngày 1/1/2016, viện dẫn “các tình huống bất thường ảnh hưởng tới lợi ích và an ninh kinh tế” của Nga.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 22/12 cho biết có hơn 1 triệu người di cư và tị nạn đã đến châu Âu trong năm 2015. Trong số những người tị nạn và di cư nêu trên, có hơn 970.000 người đã phải thực hiện hành trình nguy hiểm vượt qua Địa Trung Hải. Những số liệu mới này, do UNHCR và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cùng công bố, liệt kê những người di cư đã đến 6 nước châu Âu kể từ hồi tháng 1 năm nay. Trong đó, đa số người di cư và tị nạn (821.008 người) đang ở Hy Lạp.
Cơ quan thảm họa Philippines công bố, số người chết do cơn bão nhiệt đới Melor tiếp tục tăng lên tới 42 người và 4 người khác bị mất tích, hơn 63.000 gia đình bị mất nhà cửa, phải tá túc ở các trung tâm sơ tán. Riêng về hệ thống điện nước phải mất 4 tháng mới khôi phục được, sau khi hàng loạt đường dây, cột điện bị gió mạnh làm hư hại.