THẾ GIỚI 24H: EU nói Nga dồn hơn 150.000 quân về biên giới Ukraine

TPO - Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Josep Borrell ngày 19/4 lên tiếng chỉ trích việc Nga dồn hơn 150.000 quân về biên giới với Ukraine, giữa lúc căng thẳng giữa EU và Nga leo thang trong một loạt các vấn đề.
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu - ông Josep Borrell. Ảnh: Politico

Theo người phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, tình hình hiện nay ở biên giới Ukraine - Nga vẫn chưa được cải thiện. “Việc Nga tập trung quân ở gần biên giới với Ukraine là rất đáng lo ngại. Hiện đã có trên 150.000 quân lính Nga dồn về biên giới với Ukraine và tại Crimea. Nguy cơ leo thang là rất hiển nhiên. Chúng tôi đã phải yêu cầu Ukraine phản ứng kiềm chế và chúng tôi cũng thúc giục Nga xuống thang và giảm căng thẳng”, ông Josep Borrell nói. Cũng trong cuộc họp trực tuyến ngày 19/4, các Ngoại trưởng EU đã tranh cãi về việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Các nước thành viên ở Đông Âu như Ba Lan hay các nước Baltic yêu cầu EU lập tức trừng phạt Nga trong khi các nước như Italia, Pháp… vẫn muốn chờ đợi các diễn biến tiếp theo. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo châu Âu cần phải sớm đặt ra các “lằn ranh đỏ” trong quan hệ với Nga và lên kế hoạch hành động chung nếu Nga vượt qua các lằn ranh đỏ này.

Một nguồn tin từ chính phủ hôm qua (19/4) phát đi cho biết, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha sẽ không tới Indonesia để tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN vào ngày 24/4 tới. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai sẽ là người dẫn đầu đoàn Thái Lan tham dự. Hội nghị cấp cao đặc biệt của ASEAN được tổ chức tại Jakarta vào ngày 24/4 tới, trong đó các nhà lãnh đạo của khối sẽ bàn về tình hình ở Myanmar. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan ông Tanee Sangrat đã tiết lộ, người đứng đầu quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hliang cùng một số nhà lãnh đạo của các nước ASEAN đã xác nhận tới Indonesia để cùng tìm một giải pháp tháo gỡ tình hình.

Hôm 19/4, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) kêu gọi các hãng hàng không "hết sức thận trọng" khi bay gần biên giới Ukraine-Nga do tiềm ẩn rủi ro về an toàn bay.Trong thông báo gửi tới các hãng hàng không của Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) lưu ý "căng thẳng khu vực leo thang giữa Nga và Ukraine có thể dẫn đến các cuộc giao tranh xuyên biên giới mà không thông báo trước".

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 635.717 trường hợp mắc COVID-19 và 8.892 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 142,6 triệu ca bệnh, trong đó trên 3 triệu người không qua khỏi. Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 142.667.042 ca, trong đó có 3.041.903 người tử vong. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 32.465.382 ca nhiễm và 581.068 ca tử vong. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã ghi nhận chuyển biến tích cực gần đây nhờ chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Mỹ đưa ra cam kết từ nay đến năm 2030 cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, động thái mà ông cho là sẽ mở đầu cho những hành động tương tự từ các nước có lượng khí thải lớn khác trên thế giới. Theo Giám đốc công ty nghiên cứu Rhodium, đồng thời là cựu nhà đàm phán về khí hậu của Mỹ, Kate Larsen, hiện những cam kết tham vọng nhất là của Vương quốc Anh với mục tiêu giảm 63% lượng khí thải, tiếp đó là của Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ với cam kết giảm khoảng 51% so với mức của năm 2005.

Liên minh châu Âu (EU) hôm 19/4 đã thông qua một loạt biện trừng phạt mới đối với 10 cá nhân và 2 công ty do quân đội Myanmar kiểm soát. Theo tờ Nikkei Asia, danh sách trừng phạt gồm 10 cá nhân là thành viên Hội đồng Hành chính của chính quyền quân sự. Cơ quan này bị EU cáo buộc chịu trách nhiệm cho vụ chính biến hôm 1/2, cũng như tình trạng bạo lực hiện nay tại quốc gia Đông Nam Á. Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nhấn mạnh rằng, các lệnh trừng phạt của EU "nhắm vào lợi ích kinh tế của chế độ quân sự Myanmar" và "được thực hiện theo cách tránh gây tổn hại không đáng có đối với người dân Myanmar".

Hơn 57.800 người dân ở vùng Bicol thuộc Luzon, Philippines đã phải sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn, để tránh siêu bão Surigae sắp đổ bộ vào nơi này. Phát ngôn viên Tổng thống Philippines, ông Harry Roque cho biết, chính quyền nước này sẽ theo dõi sát sao tình hình bão Surigae để đưa ra những biện pháp ứng phó thiên tai. Trang web của Chính phủ Philippines dẫn số liệu từ PAGASA cho biết, vị trí bão Surigae tính tới chiều 18/4 nằm cách tỉnh Catanduanes 290 km về phía Đông. Sức gió đo được gần tâm bão có vận tốc 205 km/giờ, giật 250 km/giờ.

Quân đội Chad ngày 19/4 thông báo đã tiêu diệt 300 phiến quân xâm nhập vào khu vực miền Bắc nước này 8 ngày trước, trong khi phía quân đội mất 5 binh sỹ. Trước đó, nhóm phiến quân mang tên "Mặt trận vì sự thay đổi và hòa hợp" (FACT) đã mở cuộc đột kích từ căn cứ ở Libya ngày 11/4, cùng ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Chad. Cũng trong cuộc giao tranh này, 36 binh sỹ bị thương trong ngày 17/4 và 150 phiến quân bị bắt làm tù binh, trong đó có 3 chỉ huy cao cấp. Chính phủ Chad cho biết cuộc tấn công của phiến quân tại các tỉnh Tibesti và Kanem đã kết thúc.