“Vực dậy” ngôi trường có 80 học sinh “hoang dã”
Là thạc sỹ Vật lý, từng học 3 năm ở Vương quốc Bỉ, anh Đào Tuấn Đạt lựa chọn việc giảng dạy, giáo dục thay cho hướng đi sâu nghiên cứu khoa học. Những năm tháng vừa học cao học vừa dạy ôn thi đại học cho học sinh các trường THPT “hot” ở Hà Nội, cho đến ngày đứng trên giảng đường trường ĐH Bách khoa, anh vẫn luôn ấp ủ mong muốn có một ngôi trường của riêng mình để thực thi những điều mới mẻ về giáo dục luôn thường trực trong đầu.
Anh cho rằng: “Bất kể người giáo viên yêu nghề nào cũng trăn trở chứ không riêng mình tôi. Môi trường giáo dục hiện tại của mình không khiến họ thanh thản, yên tâm và tôi chỉ là một trong hàng triệu giáo viên như vậy”.
Điều thầy giáo trẻ nhận ra là không thể giáo dục học sinh đồng loạt được vì mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt có tinh thần độc lập, khác nhau, cá biệt. Và theo anh, người thầy phải là người truyền cảm hứng cho học trò để các em muốn đến trường chứ đừng biến trường học thành “một trại lính”.
Vẫn biết ngôi trường có nhiều học sinh hổng kiến thức cơ bản và có phần hơi “hoang dã” nhưng người hiệu trưởng trẻ tuổi vẫn quyết tâm vực dậy với việc áp dụng hàng loạt các biện pháp giáo dục mới mẻ. Tôi hỏi: liệu đó có phải liều lĩnh không? Anh đáp chắc nịch: “Tôi thấy không liều tí nào cả, tôi biết chắc mình sẽ làm được mặc dù trước đây tôi thường chỉ dạy học sinh giỏi. Ngày mới vào trường mặc dù đã xác định tinh thần học sinh mất kiến thức cơ bản, đến khi bắt đầu tôi không nghĩ các bạn ấy bị mất kiến thức cơ bản đến mức độ đó. Nhưng điều ấy không làm chúng tôi chán nản mà chỉ cảm thấy các em ấy thiệt thòi. Vì nếu học kém các em phải chịu đủ thứ áp lực, luôn bị căng thẳng tâm lý từ bố mẹ, thầy cô, bạn bè…khi bị chỉ trích hay chê bai dù chỉ là vô tình. Nhiều người cho rằng phải chỉ trích học sinh mới tiến bộ. Tôi không nghĩ thế, động lực không đến từ những lời phê bình, mắng nhiếc”.
“Bí kíp” của nhà trường theo anh Đạt chỉ là “Sống thực tâm với nhau, nói thật với nhau để hiểu và quý mến nhau”. Và sau 3 năm quản lý, người hiệu trưởng trẻ tuổi này đã làm sống động một ngôi trường ban đầu có 80 học sinh “hoang dã” trở thành cơ sở giáo dục mạnh với gần 500 học sinh.
Ở trường Anhxtanh, học sinh được nói, dám nói, có quyền nói những suy nghĩ của mình. “Chúng tôi cần đều đó để có thể hiểu các em. Ở đây mọi học sinh đều được tôn trọng và đáng khen như nhau ngay khi các em làm được một việc tốt dù nhỏ thôi”- Hiệu trưởng Đào Tuấn Đạt khẳng định.
Không cấm học sinh yêu
Đó là một trong những điểm đặc biệt của trường THPT Anhxtanh. “Không cấm học sinh yêu; trò tâm sự với thầy chuyện tình yêu không phải hiếm ở ngôi trường này. Quan niệm của thầy hiệu trưởng trẻ trung này cho rằng: “Thầy cô không nên đóng vai trò một “cảnh sát tình yêu”, mà hãy là người bạn để lắng nghe, chia sẻ và có lời khuyên đúng đắn cho các em”.
Anh Đạt giải thích, chuyện có cảm xúc yêu đương là tự nhiên. Không ai có thể cấm người khác ngừng nhớ nhung một ai đó. “Nếu cấm có cấm được không? Không, đó là diễn biến tâm lý lứa tuổi tự nhiên. Nếu mình cấm có thể gây ức chế cảm xúc dễ dẫn đến những hành động, suy nghĩ tiêu cực không cần thiết. Cấm yêu là tội lỗi”, anh Đạt nói thêm. Với vị trí người hiệu trưởng quản lý giáo dục nhưng thầy Đạt vẫn đứng lớp, giảng dạy. Có lẽ chính vì thế mà ở ngôi trường đặc biệt này, thầy hiệu trưởng và 40 thầy cô giáo đều nhớ tên gần hết học sinh trong ngôi trường 500 em.
Đưa Flappy bird, mèo Tom, chuột Mickey… vào đề thi
Thầy hiệu trưởng Đào Tuấn Đạt còn khiến người ngỡ ngàng, bất ngờ khi ra đề thi độc đáo, hài hước lồng ghép vào trong môn học tưởng chừng khô khan, khó như Vật lý.
Cụ thể, trong câu hỏi đề kiểm tra lớp 10 của trường năm 2014 có ra: “Trong buổi chiều lặng gió, một thợ săn tưởng tượng nhìn thấy Flappy Bird đang bay, anh ta giương cung và bắn theo phương thẳng đứng. Mũi tên bắn trúng lưng Flappy. Biết Flappy bay theo phương ngang ở độ cao 40,2375 m so với cung với vận tốc không đổi v = 4m/s. Vận tốc ban đầu của tên là Vo = 35m/s. Tính khoảng cách giữa thợ săn và Flappy theo phương ngang khi tên rời khỏi cung”.
Với đề kiểm tra giữa kỳ độc đáo này, cả học sinh lẫn dân mạng trẻ tuổi đều thích thú. Thầy Đạt chia sẻ: “Tôi chọn các chi tiết tưởng chừng vô lý như lợn đi qua quán phở mà không sợ nguy hiểm; cửa hàng thời trang mang tên món ăn Hăm-bơ-gơ, Sói xám đi xe đạp điện… tự chế; hay việc ghi số liệu cần chính xác lại do một chú vẹt đảm nhận. Đó là những chi tiết vừa vui nhưng cũng thể hiện nghịch lý của khoa học và cuộc sống”. Những điều tưởng chừng nghịch lý, đi vào đầu học trò cùng những kiến thức hàng ngày. Vui thay!