Thay đổi thói quen khi xem 'Quẫn'

TP - “Quẫn” của đạo diễn Trần Lực có đêm diễn mở sàn Nhà hát Tuổi trẻ khá suôn sẻ. Một kịch bản từng bị ba đạo diễn tên tuổi từ chối dựng lại vì cũ quá, đến khi vào tay Trần Lực khán giả thấy khác hẳn.
“Quẫn” của Trần Lực khiến khán giả phải thay đổi tư duy xem kịch. Ảnh: Toan Toan

Trẻ ưa, già ngại

Kịch bản của Lộng Chương xoay quanh gia đình tư sản - Đại Cát ở giai đoạn công tư hợp doanh. Lo sợ tài sản tiêu tan hết, vợ chồng Đại Cát tìm mọi cách giấu thùng vàng, trong khi bà cụ Đại Lợi và cô em Đại Hưng rình mò đòi chia của, còn cô con gái nhà Đại Cát nhất mực đòi hiến toàn bộ tài sản. Đúng là nội dung rất xa thời bây giờ, thậm chí bản dựng thời trước mang màu sắc tuyên truyền bắt các nhân vật tư sản này phải giác ngộ. May mắn Trần Lực rời bỏ cách dựng kịch hiện thực tâm lý quen thuộc của sân khấu hiện nay, anh chọn phương thức hiện thực ước lệ.

Sân khấu tối giản chỉ một màu đen, đạo cụ duy nhất là chiếc hòm đặt giữa sân khấu. Chiếc hòm cũng giống như thỏi nam châm hút hàng trăm cặp mắt khán giả và là nơi phát sinh kịch tính. Sân khấu đơn giản nhưng cũng chẳng sao vì khán giả phải chăm chăm theo dõi nhất cử nhất động của diễn viên. Lúc họ nói, khi nhảy múa lúc thì hát và sự biến chuyển sắc thái trên gương mặt cực nhanh nhạy. Trần Lực kể trông đơn giản vậy thôi nhưng có diễn viên của anh bị thoát vị trong lúc tập do không khởi động kỹ.

Dàn diễn viên là sinh viên năm thứ tư nhưng đã có độ chín nhất định. Khán giả xem cũng khá ưng, dù đài từ của vài diễn viên chưa chuẩn, diễn xuất đôi lúc quá đà hoặc hò hét quá. Trong số này Mạnh Đạt vai Đại Cát gây ấn tượng nhất. Cậu giành Huy chương vàng tại LH Sân khấu Thủ đô vừa rồi. Đạt có sức vóc đảm đương hết diễn xuất hình thể bên cạnh diễn biến tâm lý khá phức tạp của nhân vật. 

Trần Lực khá tự tin vở gần gũi với khán giả trẻ. Sư tự tin có căn cứ bởi người trẻ xem xong kịch của anh thấy phấn khích ở chỗ xử lý sân khấu, diễn viên trẻ trung diễn xuất động không bị “tê liệt”. Khán giả có tuổi có phần e ngại. Họ quen với lối châm biếm, đả kích các nhân vật tư sản không giác ngộ trong giai đoạn công tư hợp doanh mấy chục năm trước. Thành ra họ thấy nặng nề khi xem một vở hài theo phong cách mới. Trần Lực khai thác góc nhìn thời hậu sinh nhìn lại một thời ấu trĩ, lý giải nó sâu sắc, gần gũi và hợp thời nay hơn. Những tiếng giậm chân huỳnh huỵch, đám người áo choàng đen thình lình xuất hiện trên nền nhạc Đánh giặc tăng gia  tạo không khí u uất, quẫn bách khiến không ít khán giả thấy sợ.

Sẽ có sân khấu Trần Lực?

Lối dàn dựng của Trần Lực từng khiến nhiều nhà chuyên môn và đồng nghiệp nức nở từ cuối năm ngoái ở Liên hoan sân khấu Thủ đô. Anh luôn cho rằng lối dựng ước lệ này hoàn toàn truyền thống và áp dụng từ tuồng, chèo mà ra không hề tây hoá hay thử nghiệm gì nhiều. Những ngôn từ hiện đại như “mình thích thì mình làm thôi”, “500 anh em” hoặc đưa ca khúc hiện đại không phải là điều khiến vở diễn trở nên gần gũi với giới trẻ. Không có sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của đạo diễn e rằng không có được cảm giác mới mẻ như vậy.

Con nhà nòi, Trần Lực tốt nghiệp khoá 1 đạo diễn sân khấu và từng học bảy năm ở Bulgaria nhưng dòng đời xô đẩy anh theo nghiệp diễn viên, đạo diễn điện ảnh và truyền hình. “Khi làm phim tôi vẫn đau đáu với sân khấu, bằng chứng là hơn chục năm trước tôi cùng Trung Anh, Quốc Khánh và họa sỹ Doãn Bằng định ra một sân khấu tư nhân. Nhưng mỗi người mỗi việc và chuyện gia đình cuốn mình đi”, Trần Lực chia sẻ bên ly cà phê cạnh Hồ Tây, gần hãng phim tư nhân Đông A của anh.

Nhiều người nghĩ Trần Lực đang đi ngược dòng, bởi sân khấu nói chung và sân khấu phía Bắc nói riêng cực kỳ khốn khó đi tìm khán giả. Nhưng anh không nghĩ thế. “Đừng đổ cho khán giả không có thói quen xem kịch. Khán giả lúc nào cũng chào đón nghệ thuật, quan trọng anh có sản phẩm hấp dẫn họ không”, Trần Lực nói.

Sau đêm diễn mở đầu tại Nhà hát Tuổi trẻ 18/2, Quẫn tiếp tục diễn tại đây vào 25/2. Vở diễn mang về cho Trần Lực huy chương vàng đạo diễn, một huy chương vàng, hai huy chương bạc diễn viên và giải bạc cho vở diễn.