Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Thành - Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông, Cơ sở 2 trường Đại học Thủy Lợi, nếu không cẩn thận các thí sinh sẽ mắc sai lầm trong 3 ngày thay đổi nguyện vọng còn lại.
Theo ông Thành, đối với những thí sinh còn đang phân vân về chọn ngành, chọn trường lúc này cần hết sức cẩn trọng để không sa vào ma trận điểm sàn của các trường top đầu năm nay. “Bởi vì rất nhiều trường trong top đầu công bố điểm xét tuyển đầu vào chỉ từ 15.5 đến 17 điểm, điều này làm hoang mang cho các thí sinh và có thể tạo ra những hy vọng ảo, và nếu không cẩn thận thì chuyện trượt đại học với số điểm 18-20 sẽ không có gì là lạ”, ông Thành nói.
Ông Thành ví dụ, lượng thí sinh đạt điểm từ 24 trở lên của khối A năm nay khoảng 35.000 em, trong đó năm 2016 chỉ khoảng 11.000, như vậy có thể thấy điểm chuẩn các ngành top trên sẽ cao hơn năm trước và các ngành của trường top dưới có thể lại thấp hơn và có thể nhiều ngành chỉ ở mức điểm sàn. Cơ hội học đại học sẽ có cho tất cả mọi người nếu các em biết lựa chọn nguyện vọng vừa khả năng điểm số của mình.
Từ dẫn chứng đó, ông Thành đưa ra một số lời khuyên cho các thí sinh nhằm giúp thí sinh tăng cơ hội học đại học.
1. Chọn ngành theo thế mạnh bản thân
Trước hết các em đừng lo lắng nhiều về các ngành mình thích, đúng sở trường bản thân mà các trường top đầu lấy điểm vượt quá khả năng. Việc chọn ngành là hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến cả tương lai sự nghiệp sau này nên hãy đừng nghe các thông tin ngoài lề đồn thổi, hãy nghe chính bản thân mình và nghe lời khuyên của ba mẹ, những người hiểu khả năng của mình nhất. Ngành hot không phải chỉ những trường top đầu mới có, vẫn có trường tuyển sinh cùng ngành đó nhưng điểm trúng tuyển sẽ không cao hơn mức điểm sàn bao nhiêu.
Về mức điểm, các thí sinh nên căn cứ mức điểm chuẩn của năm trước, thông tin này có đầy đủ trên mạng internet. Nếu các ngành của trường nào đó năm trước có điểm chuẩn khoảng 20 trở lên thì năm nay để có cơ hội đậu cao, điểm của các em phải cao hơn mức năm trước khoảng 2 điểm trở lên. Với các ngành năm 2016 chỉ lấy 15-16 điểm thì có thể năm nay thay đổi không nhiều.
2. Chọn trường phù hợp kinh tế gia đình
Chương trình giáo dục đại học của các ngành ở các trường cơ bản là phải tuân theo quy định của Bộ GD&ĐT, vì vậy khung chương trình không khác nhau nhiều. Chất lượng khác nhau phần nhiều là do kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên, môi trường học tập, trang thiết bị, cơ sở vật chất học tập và điều kiện thực hành, thực tập chuyên môn, liênkết với các công ty để cho sinh viên làm thực tế...
Môi trường tốt sẽ tạo cho các em tinh thần học tập, tạo phong trào học tập tốt. Đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm cùng với trang thiết bị giảng dạy, học tập, thí nghiệm, thực hành, thực tập thực tế chuyên ngành... sẽ cho các em kiến thức vững vàng, phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong xã hội hiện nay.
Ngược lại, dù cũng chương trình học như thế nhưng giảng viên thiếu kinh nghiệm, giảng viên thuê từ trường khác chạy sô, điều kiện học tập và thực hành hạn chế... thì sau này dù tốt nghiệp khá nhưng các em vẫn khó xin việc hơn, khó nắm bắt công việc thực tế hơn.
Với kinh tế gia đình có hạn, các em cần chọn những trường công lập (các trường này đều có học phí ít, trong khung quy định của Nhà nước). Tuy nhiên, học phí thấp vẫn chưa đủ, các em cần xem xét các mặt khác như: trường có đủ chỗ trong ký túc xá không, ký túc xá có gần trường không, có phải di chuyển nhiều địa điểm để học tập trong 1 học kỳ không?... Những chi phí này so với học phí lại cao hơn rất nhiều đấy.
Do vậy, thí sinh cần cân nhắc, ngôi trường danh tiếng, top đầu chưa phải là tất cả, đừng cố gắng khi nó vượt xa tầm với an toàn của kinh tế gia đình. Mơ ước vẫn có thể xây dựng từ những ngôi trường ít tên tuổi nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội và cố gắng trong học tập.
3. Đậu đại học chỉ là bước khởi đầu
Hành trình đến với một ngôi trường đại học gian nan là thế, nhưng thực sự đây chỉ là bước khởi đầu cho hành trình tương lai.
Như trên đã nói, khung đào tạo của các ngành của các trường đều gần như giống nhau, và kể cả cùng trong một trường, cùng trong một môi trường học tập thì chất lượng đầu ra của mỗi người mỗi khác. Có những người ra trường gian nan mới xin được việc, nhưng họ thành đạt và thăng tiến nhanh; Có những người cứ loay hoay làm chỗ này một thời gian, chỗ kia một thời gian và mãi vẫn chưa dừng chân được chỗ nào; Cũng có những người không thể xin được việc, phải làm trái ngành, thậm chí là làm công nhân hay phụ bán hàng để chờ việc... Tất cả là do bản thân mỗi chúng ta.
Người dễ đạt được thành công là người biết vị trí và khả năng của mình, người biết phát huy bản thân ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất. Với số điểm thấp, phải vào một trường nhỏ nhưng nếu biết cố gắng, biết tận dụng mọi cơ hội để học hỏi thì vẫn có thể thành những vĩ nhân. Ngược lại, nếu chỉ ngồi so sánh, thất vọng, ảo tưởng về bản thân... thì thất bại trong học tập, thất bại trong công việc sau này là điều khó tránh phải.
4. Điều chỉnh nguyện vọng - Đừng để mắc những sai lầm
Trong thời hạn 1 ngày còn lại để điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến hoặc 3 ngày nếu điều chỉnh bằng giấy, các thí sinh phải cẩn trọng, để đừng mắc sai lầm.
Thứ nhất, cần phải nói rằng trong những ngày qua, có nhiều thí sinh vội vàng đổi nguyện vọng trực tuyến rồi sau lại chạy đi làm bổ sung nguyện vọng bằng giấy mà không biết là như vậy là không được chấp nhận.
Chúng ta phải hiểu rằng dù làm hình thức thay đổi nguyện vọng bằng giấy thì bước cuối cùng cũng phải có chuyên viên giúp các em nhập dữ liệu xét tuyển vào phần mềm, chỉ khác là chuyên viên đó có quyền thêm nguyện vọng mới giúp các em.
Còn là dù ai là người sửa đổi nguyện vọng trên phần mềm của Bộ thì khi lưu thông tin rồi là hồ sơ bị khóa lại, coi như chốt đăng ký. Như vậy, có đi làm bổ sung bằng giấy cũng không được chấp nhận nữa.
Thứ 2, với những phân tích ở các mục trên, thí sinh cần cân nhắc, khi chọn được ngành và trường phù hợp, cơ hội đậu cao thì nên để ngay ở nguyện vọng 1; Các ngành khác dễ đậu hơn nhưng mình không thích bằng thì để tuần tự phía sau. Việc xét tuyển là chung giữa các nguyện vọng nhưng chúng ta phải biết là quá trình xét tuyển vẫn theo tuần tự: Ngành top, có điểm cao nhất sẽ xét trước, loại bớt NV1 trượt xuống xét NV2 cùng với NV1 của ngành thấp điểm hơn... Nếu số lượng đăng ký vào ngành top quá nhiều dẫn đến trượt nhiều thì các ngành sau sẽ bị đẩy điểm trúng tuyển lên theo. Đó chính là điểm chúng ta cần cân nhắc để chọn thứ tự các nguyện vọng cho phù hợp.