Thay đổi lớn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015

TP - Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến của các trường ĐH, CĐ về những thay đổi lớn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015. Theo đó, mỗi thí sinh được nhận 4 giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ của trường và mã vạch nhận dạng, trong đó có 1 giấy chứng nhận kết quả thi chỉ dùng để xét tuyển nguyện vọng I và 3 giấy chứng nhận kết quả thi để xét nguyện vọng bổ sung.
Học sinh THPT đang mong chờ các điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp 2015. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cũng theo dự thảo lần cuối, các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 25 ngày trong đó 20 ngày đầu tiên dành để tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh; điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.

Thí sinh đăng kí xét tuyển nguyện vọng I nộp hồ sơ lệ phí  đăng ký xét tuyển (ĐKXT)  cho trường có nguyện vọng học qua đường bưu điện theo hình thức thư phát chuyển nhanh hay nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Thí sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi (dùng cho xét tuyển nguyện vọng I) có đóng dấu đỏ của các trường chủ trì cụm thi cấp để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường. Trong thời gian xét tuyển quy định, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường hay ngành khác theo nguyện vọng. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.

Để đăng kí xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh nộp hồ sơ theo qui định cho trường có nguyện vọng học qua đường bưu điện, theo hình thức thư phát chuyển nhanh hay nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Thí sinh dùng  ba giấy chứng nhận kết quả thi (dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung) do trường chủ trì cụm thi cấp để đăng kí xét tuyển, mỗi giấy có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường. Trong thời gian xét tuyển, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường hay ngành khác theo nguyện vọng.

Ngoài ra, dự thảo quy chế tuyển sinh mới còn đưa ra những thay đổi quan trọng khác.

Kết quả thi của thí sinh vào trường (hoặc nhóm trường) tổ chức tuyển sinh riêng bằng phương thức thi tuyển, chỉ có giá trị xét tuyển vào trường (hoặc nhóm trường) đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác; đối với ngành năng khiếu, các trường có thể xét tuyển thí sinh đã dự thi vào ngành đó tại các trường khác và phải quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường.

Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế,  trong đội tuyển tham dự hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế đã tốt nghiệp trung học được tuyển thẳng vào đại học. Thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế, hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế nếu chưa tốt nghiệp trung học sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học.

Thí sinh đoạt huy chương vàng các giải vô địch hạng nhất quốc gia tổ chức một lần trong năm và thí sinh được Ủy ban Thể dục thể thao (TDTT) có quyết định công nhận là kiện tướng quốc gia đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia, không có môn nào có kết quả từ 1 điểm trở xuống, được ưu tiên xét tuyển vào ĐH TDTT hoặc các ngành TDTT tương ứng theo quy định của từng trường.

Thí sinh đoạt huy chương bạc, huy chương đồng của các giải vô địch hạng nhất quốc gia tổ chức 1 lần trong năm và thí sinh được Ủy ban TDTT có quyết định công nhận là vận động viên cấp 1 quốc gia đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia,  không có môn nào có kết quả từ 1 điểm  trở xuống, được ưu tiên xét tuyển vào CĐ Thể dục thể thao hoặc các ngành TDTT tương ứng của các trường.

Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học hoặc tốt nghiệp hệ trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về ca, múa, nhạc đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia, không có môn nào có kết quả từ 1 điểm trở xuống, được trường ĐH, CĐ ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường.