> Đào gãy cuốc vẫn không thấy 'hố tử thần'
Không tin sao được. Khả năng thần kỳ của chiếc máy nhỏ bé ấy đã được kiểm nghiệm thành công, tìm được nước ngầm ở Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu; xác định đứt gãy kiến tạo nền và hang ngầm ở lòng hồ thủy điện Nậm Pàn (Sơn La).
Và, niềm hoan hỷ như được nhân lên vì chỉ trong một buổi sáng, máy đo đã xác định hàng loạt “hố tử thần” núp dưới nền đường với đầy đủ mọi thông số cần thiết như hình dạng, kích thước, độ sâu… Mãi đến khi đào xới lên, mọi người mới chợt nhận ra còn đó nỗi lo.
Thực tế cuộc sống đã chứng minh có biết bao cuộc thử nghiệm thất bại. Và, “hố tử thần” cũng không phải là hiện tượng cá biệt. Lịch sử ghi nhận tại Trung Quốc, Hoa Kỳ và nhiều nước tiên tiến đã từng xảy ra, có “hố tử thần” thậm chí còn nuốt chửng cả một căn nhà, khu phố, làm nhiều người chết, mất tích. Ở TPHCM, “hố tử thần” có kích thước khiêm tốn hơn, song người dân vẫn nơm nớp lo. Lo tai họa giáng xuống thì ít mà lo vì cách nghĩ, cách làm không giống ai của các ngành chức năng thì nhiều.
Trước khi thử nghiệm, đã có nhiều chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả của máy BXT-09. Thay vì kiểm tra độ tin cậy của máy trong phạm vi phòng thí nghiệm, cơ quan chức năng lại quyết định ngăn đường, cho công nhân đào xới ngay tại giao lộ, gây ra cảnh huyên náo, hỗn loạn.
Nhiều chuyên gia đặt vấn đề: Dù máy của TS Bằng có trở thành chiếc đũa thần thì TPHCM lấy đâu ra máy, ra người để rà soát từng centimet vuông của hàng trăm tuyến đường với tổng chiều dài lên đến hàng nghìn kilomet để tầm soát “hố tử thần”.
Và, cho dù có đủ lực lượng, phương tiện đào bới, lấp bằng hết các điểm lún, sụt thì cũng chỉ là giải quyết phần ngọn. Cái gốc vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để ngăn chặn tình trạng thi công cẩu thả, thả nổi quản lý công trình ngầm, khai thác nước ngầm quá mức, nén cao ốc vào khu vực trung tâm … để ngăn chặn lún sụt thì dường như TPHCM chưa quyết tâm làm đến cùng.