Chuyện tình “đảo trưởng”
Chúng tôi đến đảo Trường Sa Đông một ngày đầu năm 2016 trong Hành trình thăm, tặng quà cán bộ chiến sĩ huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Một điều thú vị là chúng tôi được ngủ lại trên đảo. Bữa tối có thịt, cá, rau… là những sản phẩm tăng gia trên đảo. Ăn uống, liên hoan văn nghệ xong, thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng, Chỉ huy trưởng đảo ghé vào bàn ngồi với mấy nhà báo, vừa đàn, vừa hát góp vui. Tiếng hát về biển đảo, về người chiến sĩ vang lên xen lẫn tiếng gió xào xạc mùa biển động. Rồi rất nhanh, anh “biến mất”. Khoảng hơn 22h, tôi mới có thời gian nói chuyện với anh, dù từ chiều đã nhắn nhủ “tối nay anh em ngồi trò chuyện một chút”.
“Chúng tôi luôn quán triệt huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không để xảy ra tình huống bất ngờ”.
Trung tá Đỗ Thế Tuyến – Chỉ huy trưởng
đảo Trường Sa
Từng ra đảo Trường Sa Đông hồi giữa năm 2015, nên tôi có nhiều thứ để hỏi. Về chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt được Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015 tặng, anh tâm sự, nước ngọt bây giờ về cơ bản đã đủ cho anh em chiến sĩ trên đảo sinh hoạt, tích trữ cho mùa khô. Khuôn viên, cảnh quan ở đảo cũng thay đổi nhiều. Ngay chỗ chúng tôi ngồi cũng được làm mới, xung quanh có lồng chim, hoa phong lan nở. Vài cây chuối đang ra buồng. Mấy chú chim chào mào, cu gáy nửa đêm nằm lim dim ngủ. Anh khoe do đất đai tốt, lại thêm chiến sĩ biết cách canh tác nên đảo không lo thiếu rau xanh. “Mình trồng ở chỗ kín gió, lại tưới nước và chăm sóc thường xuyên nên rau rất tốt. Có thể nói Trường Sa Đông có vườn rau tốt nhất ở Trường Sa”, anh Hùng nói.
Chuyện nối chuyện, biết thêm ngoài việc chơi guitar, anh còn là một tay bóng bàn rất cừ. Khi có hội thao bên đảo Nam Yết là anh em đều sang tham dự. Ra đảo từ năm 2000, nay đeo lon thiếu tá, làm Chỉ huy trưởng đảo, công việc nhiều nhưng anh vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để anh em thoải mái tinh thần, công tác. Anh kể, lấy vợ từ năm 2002. Hồi đó, từ đảo về nghỉ phép được mấy ngày, tiền lương mang về đủ mua một "con" xe Dream Việt và một chiếc ti vi. Có xe mới, anh xuống nhà anh rể chơi, được em trai ông anh rể giới thiệu sang nhà vợ bây giờ. “Hôm đó cứ quần cộc xuống chơi thôi, cũng không nghĩ là đi cưa gái để lấy vợ”, anh Hùng cười. Duyên số run rủi, quen được vài ngày thì anh phải đi TPHCM, mới bảo: “Tớ nói thật, có lấy không để còn biết đường”. Rồi anh đặt thiệp cưới ở trong đó, bảo ở nhà cứ mời trước đi, sẽ về sau. Thế rồi, vài ngày sau thì cưới. Đến nay, vợ chồng lính đảo - giáo viên có với nhau hai mặt con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi.
Trước đảo Trường Sa Đông, tôi cũng có dịp được ngủ lại trên đảo Nam Yết. Ở đây có tòa nhà khang trang đa năng, vừa làm nơi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vừa tiếp đón các đoàn khách đến thăm. Hồi đó giữa tháng 5/2015. Tối, đoàn văn nghệ không hiểu sao bị mất chìa khóa, không vào được phòng nghỉ. Lúc đó đã gần 23h. Mấy cán bộ, chiến sĩ hì hục mãi cũng không mở được cửa. Chỉ còn một cách là đập vỡ kính cửa sổ. Nhưng ai cũng tiếc vì vỡ kính rồi, biết bao giờ mới lại có kính như thế để thay. Mùa gió biển không biết thế nào. Rồi thượng tá Phạm Văn Lý, lúc đó là Chỉ huy trưởng đảo xuất hiện, ông bảo cứ đập rồi tính sau…
Nhân dịp đó, tôi có cơ hội ngồi tâm sự với ông. Ông mặc áo ba lỗ, đi dép lê đã cũ, ngồi trong phòng trò chuyện đến gần 24h. Trước đó, trong buổi chiều, để tiết kiệm nước ngọt, ông đồng ý cho một số người trong đoàn ra tắm biển, trong đó có tôi. Ông cũng ra tắm cùng vừa để trò chuyện, vừa để đảm bảo an toàn cho mọi người. Sinh năm 1968, từng đi qua cả chục đảo như Đá Lớn, Thuyền Chài, Sinh Tồn, Phan Vinh, Song Tử Tây, Nam Yết…ông hiểu đảo, hiểu biển Trường Sa như trong lòng bàn tay. Ông bảo cuộc sống bây giờ khá hơn nhiều. Trước máy phát điện chỉ được một thời gian, máy hỏng thì 6 tháng sau mới có. “Tàu vừa đến xong mà hỏng thì phải đợi chuyến tàu sau. Ngày trước tivi không có, điện thoại cũng không. Bây giờ thì thoải mái hơn”, ông nói.
Chuyện cứ dài mãi, về tượng đài Trần Quốc Tuấn uy nghiêm đặt trên đảo, về chức năng của tòa nhà khang trang nơi chúng tôi đang nghỉ, về cảnh quan, hoa trái trên đảo…Rồi ông kể chuyện gia đình. Tháng 5/1998 ông lấy vợ. Đến tháng 1/1999 thì ra đảo. “Ra đảo được 1 tháng thì vợ sinh con. 2 tháng sau nhận được thư từ gia đình mới biết. Lúc về con biết nói, không quen nên gọi chú”, ông kể. Được biết, cuối năm 2015, ông rời đảo về đất liền tiếp tục công tác. Tâm sự với phóng viên, ông bảo, bây giờ con cái lớn rồi, những quan tâm lo lắng tăng dần.
Sẵn sàng cho mọi tình huống
Buổi tối trên đảo Nam Yết đó, tôi cũng có dịp ngồi chuyện trò cùng vài anh em chiến sĩ, trong đó có Phan Thanh Tùng. Bẵng đi một thời gian, khi ra đảo Trường Sa tháng 1/2016, tình cờ gặp lại Tùng. Lại thêm một đêm trò chuyện. Tùng kể, sau đợt công tác ở Nam Yết được về nghỉ phép một thời gian rồi lại ba lô lên đường công tác tại Trường Sa. “Ngày 12/7/2014, mình lấy vợ. Được 7 ngày thì mình đi ra Nam Yết. Đến lúc con 7 tháng tuổi mới nhìn thấy mặt con. Bây giờ lại tiếp tục đi”, Tùng kể.
Chuyện trò thêm, Tùng bảo, lần đầu về thăm con, gặp ngay thử thách khó nhằn của vợ. “Lúc rời tàu xuống bến thấy vợ đứng chờ nhưng không bế con. Mình cũng hơi bất ngờ. Hóa ra cô ấy nhờ người khác bế con hộ xem mình có nhận ra không. Thế mà mình nhận ra ngay. Lần đầu tiên bế cháu cháu khóc rất nhiều vì không quen hơi”, Tùng nói.
Nghỉ phép, huấn luyện tại đơn vị một thời gian rồi lại đi. Lần này, Tùng ra đảo Trường Sa. Lên đảo hôm trước, ngay sáng hôm sau, Tùng cùng 2 chiến sĩ nữa thực hiện nhiệm vụ thượng cờ trên đảo. Các chiến sĩ mới cũng lập tức làm quen với công tác tập luyện, rèn luyện thể lực, võ thuật, cận chiến để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo ngày nào cũng trực tiếp quan sát các chiến sĩ rèn luyện. “Chúng tôi luôn quán triệt huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không để xảy ra tình huống bất ngờ”, anh Tuyến nói.
Tập luyện trên đảo Trường Sa. Ảnh: Trường Phong
Hôm ở đảo Trường Sa Đông, chúng tôi được trực tiếp xem cán bộ, chiến sĩ trên đảo diễn tập phương án tác chiến phòng không. Vừa có hiệu lệnh, các chiến sĩ, dù đang làm bất cứ việc gì ngay lập tức chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đến các vị trí trọng yếu để thực hiện nhiệm vụ. Khi màn đêm xuống, các chiến sĩ lại thay nhau đi làm nhiệm vụ.
Tàu rời đảo, đêm dần buông. Ngày nào cũng thế, những con mắt trong đêm vẫn luôn rực sáng, đảm bảo cho Tổ quốc không bị
bất ngờ!
Tàu rời đảo, đêm dần buông. Ngày nào cũng thế, những con mắt trong đêm vẫn luôn rực sáng, đảm bảo cho Tổ quốc không bị bất ngờ!