Thanh niên Hàn Quốc vất vả kiếm người yêu

Tại buổi hẹn hò chớp nhoáng ở Seoul, anh lính cứu hỏa 32 tuổi Park Chang-won vụng về di chuyển từ bàn này sang bàn khác để giới thiệu bản thân, và đến bàn cuối, anh lúng túng đến mức chỉ lí nhí tên tuổi, rồi không thốt ra được lời nào nữa.

Thanh niên Hàn Quốc vất vả kiếm người yêu

> Hàn Quốc cởi mở hơn với yêu đồng tính 

Tại buổi hẹn hò chớp nhoáng ở Seoul, anh lính cứu hỏa 32 tuổi Park Chang-won vụng về di chuyển từ bàn này sang bàn khác để giới thiệu bản thân, và đến bàn cuối, anh lúng túng đến mức chỉ lí nhí tên tuổi, rồi không thốt ra được lời nào nữa.

Nói về cảm xúc về buổi làm quen, Park chia sẻ: "Tôi thấy khó khăn ngay từ đầu" và lý giải rằng, từ bé đến giờ anh chỉ tiếp xúc với đàn ông, học tại trường nam sinh, rồi vào lính và giờ đây làm lính cứu hỏa. Điều này làm cho việc tiếp xúc với phụ nữ càng khó khăn.

Ở những nước khác, khó khăn trong việc tìm hiểu như của Park có lẽ chỉ là riêng tư. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, nơi tỷ lệ sinh ngày càng giảm đến mức gây lo ngại, thì hôn nhân trở thành việc của quốc gia. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất về mối lo ngại đó là hàng chục sự kiện mối lái toàn quốc, như buổi mà Park đã tham dự. “Bà mối” bất đắc dĩ cũng rất đặc biệt: chính phủ.

Nam nữ Hàn Quốc trong một buổi hẹn hò sắp đặt ở Soeul hồi tháng 5. Ảnh: NYT.
 

Khi mà cảnh "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" không còn phổ biến, Bộ Y tế và Phúc lợi đã bắt đầu quảng bá cho ý tưởng tổ chức các buổi tìm hiểu tập thể từ năm 2010. Dưới sự lãnh đạo nhiệt tình của vị bộ trưởng thời đó, bà Cheon Jae-hee, bộ này đã tổ chức 4 cuộc làm quen trong năm đó và thu hút được những người lao động cũng như nhân viên của bộ tại các công ty địa phương, gây được tiếng vang trong giới truyền thông. Bà Cheon đã đứng ra làm chủ hôn cho đôi vợ chồng đầu tiên gặp nhau trong một buổi tìm hiểu như vậy. Phát biểu trên một tạp chí trước ngày cưới, chú rể tương lai, 31 tuổi, đã không tiếc lời cảm ơn chính phủ, và nói rằng liệu anh sinh hai con thì đã đủ đáp ứng kỳ vọng của mọi người hay chưa.

Kể từ đó, việc tài trợ cho các buổi gặp làm quen chủ yếu được chuyển cho các cơ quan liên đới của Bộ Y tế và Phúc lợi và các chính quyền địa phương, họ được cung cấp tài chính cho các hoạt động quảng bá cho hôn nhân và sinh sản. Chính quyền khu phố tổ chức buổi giao lưu mà anh Park tham dự được coi là một hình mẫu trong vấn đề này ở thành phố Seoul. Một cơ quan được chính phủ cấp kinh phí, Liên đoàn dân số kế hoạch hóa Hàn Quốc, lại cho rằng họ đã đạt được một thắng lợi khác: Thông qua việc tổ chức các buổi làm quen, họ đang cố gắng lật lại điều được coi là thành công trước kia, khi Hàn Quốc lo sợ bùng nổ dân số và đã khuyến khích đàn ông làm thủ thuật triệt sản.

Các quan chức chính phủ không phải là những người duy nhất tìm cách thay thế hình thức mối lái truyền thống bị đại đa số thanh niên hiện nay ngày càng coi là lỗi thời. Các tập đoàn kinh tế, lo ngại tình trạng thiếu lao động trong một dân số đang bị lão hóa, đã bắt đầu chấm dứt các luật lệ cấm các mối tình công sở, thậm chí một số công ty giờ đây sẵn sàng đứng ra trả tiền cho dịch vụ mối lái cho công nhân của họ. Sinh viên đã gia tăng việc lên mạng tổ chức các buổi hẹn hò đông người, kể cả hình thức hẹn hò qua một buổi flash-mob được nhiều người biết đến vào mùa đông năm ngoái tại trung tâm thành phố Seoul. Và các thương nhân đã mở các quán bar trong đó các tiếp viên đóng vai trò là những người mối lái.

Ở Hàn Quốc còn có dịch vụ mối lái trực tuyến, nhưng nhiều thành niên vẫn không cảm thấy tự tin trong việc tự đi tìm kiếm đối tác cho mình. Hầu hết đều muốn dựa vào công ty để tìm kiếm thông tin và đứng ra làm mối cho họ.

Tuy nhiên, cho đến nay kết quả của những nỗ lực này vẫn không rõ ràng. Xã hội ở Hàn Quốc được tổ chức dựa theo quan hệ quen biết nhóm – quan hệ đồng hương và nhà trường và quan hệ làm ăn của công ty – vì vậy việc gặp gỡ người bạn đời tiềm năng mà không có sự giới thiệu chính thức để môn đăng hậu đối, được gia đình chấp thuận. thường rất khó, thậm chí ngay cả đối với những người say mê với khái niệm mới này.

“Tôi thường hẹn hò với những cô gái mà bạn bè tôi giới thiệu. Nhưng tối nay tôi tham gia buổi gặp này để tìm được một người một cách tự nhiên”, Yang Sung-mo, 29 tuổi, nói và nhét chiếc khăn mầu tím vào túi áo vét để tham dự vào buổi gặp mặt tại quán bar dành cho người độc thân. “Tuy nhiên tôi nghĩ là sẽ không thành công trừ phi tôi được ai đó giới thiệu”, anh tâm sự.

Một cuộc hẹn hò tập thể cho thanh niên độc thân Hàn Quốc tháng 2 năm nay. Ảnh: NYT.
 

Các nhà xã hội học nói rằng cho đến những năm 1980, thanh niên Hàn Quốc thường dựa vào mai mối và quan hệ gia đình để kết hôn. Khi có nhiều người cùng sống trong các làng cổ xưa thì cha mẹ dễ dàng tìm được một đám ưng ý cho con cái của họ. Các tiêu chí để lựa chọn là: vị thếgia tộc và ngày tháng năm sinh được các thầy bói phán xem có hợp duyên số.

Những tập tục đó đã mai một khi công nghiệp hóa đổ bộ vào các thành phố của Hàn Quốc. Vượt qua các mối quan hệ truyền thống, các gia đình Hàn Quốc ngày nay đã hướng đến các ngành dịch vụ mai mối để kiểm chứng lai lịch. Nhưng trong những năm gần đây, thanh niên thành phố tiếp cận với phương tây bắt đầu than phiền rằng thậm chí các buổi hò hẹn bí mật do nhóm bạn bè tổ chức cũng trở nên căng thẳng.

"Tôi muốn gặp được một người tôi có cảm tình", Lee Su-seong, 29 tuổi, tâm sự khi bồn chồn ngồi chờ cùng một nhóm bạn tại Blue Ketchup Bar ở Seoul, khi bồi bàn phát các "Thẻ ái tình" để tạo không khí làm quen ban đầu.

Hahm In-hee, một giáo sư về xã hội học thuộc trường đại học Ewha Wamans nhận xét rằng "Tiếp cận hoặc giao lưu với một người nào đó bạn không hề quen biết là điều hoàn toàn xa lạ với người Hàn Quốc. Rất khó để giao lưu với một người nào đó mà ta không hề biết cha mẹ của người đó là ai, họ từ đâu đến".

Trong tất cả các cách tiếp cận được đem ra thử nghiệm, flash mob là sự thất bại nổi tiếng nhất. Khoảng 3.000 thanh niên đã có mặt tại Yoido Plaza đầy sắc màu rực rỡ, bất chấp thời tiết lạnh giá. Đúng 15h24, điện thoại của họ vang lên, báo hiệu rằng buổi săn đối tượng có thể bắt đầu, nhưng đám đông “bị đơ tập thể”. (Lực lượng cảnh sát có mặt ở khắp nơi trong sự kiện bởi nhiều bởi vì cha mẹ sợ các vụ tấn công tình dục.)

Sự kiện bị thất bại khi chỉ diễn ra trong 10 phút, mặc dù ban tổ chức nói rằng có khoảng 100 cặp đã kịp hẹn hò cho lần đầu tiên.

Các quan chức địa phương và những người khác nói rằng cốt lõi của vấn đề là ở chỗ người Hàn Quốc đã đi quá nhanh. Khi đất nước nhanh chóng hiện đại hóa, nhiều thanh niên thành thị được tiếp xúc không chỉ với các cuộc se duyên qua sắp đặt trước mà còn thông qua bạn bè. Anh Park đã từ chối chắp mối của gia đình, nhưng nói đã có không biết bao nhiêu cuộc hẹn do bạn bè giới thiệu đã khiến anh lúng túng trong các buổi nói chuyện ngắn với những người phụ nữ không hề quan tâm đến anh hoặc anh không quan tâm đến họ.

Hơn nữa Park và hầu hết các thanh niên khác ở Hàn Quốc vẫn chưa quen với khái niệm hẹn hò bình thường của phương Tây hay coi đó là một cách để tìm được một nửa kia của mình. Và ý tưởng tiếp cận với một người xa lạ để bắt đầu một mối quan hệ thực thụ đã khiến nhiều người khó xử.

Nhưng tập tục xã hội đang dần dần thay đổi. Các nhà xã hội học nói rằng nói chung những người trẻ tuổi thường cởi mở hơn với tình dục trước hôn nhân so với những thế hệ trước. Dù hầu hết sống ở nhà cha mẹ, họ đã tìm ra cách để thoát khỏi con mắt tò mò của các bậc phụ huynh, trong đó có việc dạt vào “khách sạn tình yêu”. Nhưng những thay đổi này không làm giảm thiểu nhu cầu được giới thiệu một cách thích hợp cho các mối quan hệ nghiêm túc.

Những khó khăn trong việc đáp ứng tiềm năng vợ chồng đã làm trầm trọng thêm xu hướng kết hôn muộn ngày càng tăng của người Hàn Quốc. Các nhà phân tích cho rằng khi phụ nữ trẻ có công ăn việc làm tốt hơn, nhiều người thề sẽ không bỏ việc để chăm sóc con cái và những người già bên nhà chồng.

Năm 2011, tuổi trung bình của một cuộc hôn nhân đầu tiên cho phụ nữ Hàn Quốc là 29,14, tăng từ 24,8 vào năm 1990; đối với những người đàn ông con số đó đã tăng lên 31,8 từ 27,9. Tỷ lệ sinh giảm xuống 1,15 con trên một phụ nữ, mức thấp nhất trong số các nước phát triển nhất trên thế giới.

Giới trẻ và các nhà nghiên cứu nói rằng tình hình đã trở nên tồi tệ khi người Hàn Quốc được sinh ra trong sự giàu có hơn, có ý thức hơn về vật chất và địa vị.

"Phụ nữ Hàn Quốc quá cầu kỳ với tất cả các loại tiêu chuẩn, bao gồm cả những trường đại học các chàng đã theo học, và anh ấy có hay không có một chiếc xe hơi," Yu Tae-hyeong, người tổ chức sự kiện flash mob cho biết. Còn những người đàn ông Hàn Quốc lại quan tâm nhiều đến vẻ đẹp của người phụ nữ.

Nhiều người trẻ cho biết, cho đến nay các buổi môi giới của chính phủ đã chứng minh sự kết hợp tốt nhất giữa cách cũ và mới. Các quan chức địa phương đã kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng, mai mối đúng phong cách, và một khi tất cả mọi người được kiểm tra kỹ lưỡng, các quan chức khuyến khích họ thoải mái giao lưu tìm hiểu.

Nhưng điều đó chẳng có chút an ủi nào cho anh Park không mấy may mắn trong buổi hẹn hò tốc độ anh vừa tham gia.

Kết cục là anh ta đã không còn e lệ nữa khi ban tổ chức hỏi có ai muốn công khai nói ra người mà mình thích làm quen nhất. Anh đã chỉ vào một người phụ nữ có nụ cười truyền cảm, người mà anh cảm mến vì cô đã dũng cảm không che giấu niềng răng. Anh quỳ xuống để trao tặng cô một bó hoa do người của ban tổ chức mang đến.

Cô đã lấy tay che mặt và nhất quyết không cho anh số điện thoại. Sau này cô và bạn bè ra về với một nhóm thanh niên trẻ. Anh Park đã không được rủ đi cùng.

Sau đó anh Park nói rằng: “Tôi sẽ phải tiếp tục dựa vào bạn bè giới thiệu. Nhưng tôi nghĩ rằng vận may là câu trả lời duy nhất”.

Theo Phạm Ngọc Uyển
NYT, Vnexpress

Theo Đăng lại