Thanh Hoá xử lý 'tư nhân hoá ngầm' đất công

TPO - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm việc chuyển sở hữu, "tư nhân hoá ngầm" đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh theo tỷ lệ góp, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tư nhân theo "quy trình tắt"...

Theo cơ quan chức năng, tại Thanh Hoá, hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất như tiến độ xử lý nhà, đất dôi dư theo các hình thức "bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất", "điều chuyển", "thu hồi" theo phương án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều công trình, trụ sở dôi dư sau sắp xếp còn đang bỏ trống, xuống cấp, hoang phế do bảo quản kém, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị; trong công tác quản lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức còn lỏng lẻo; một số cơ sở nhà, đất đang bị tổ chức, cá nhân khác lấn chiếm đất công...

Trường tiểu học Quảng Giao, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) bỏ hoang nhiều năm nay

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các khu đất, công trình có nguồn gốc hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập đã giải thể, sau sáp nhập và các doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hoá nhưng doanh nghiệp chưa đưa vào báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc cố tình bỏ sót, để ngoài sổ sách, báo cáo. Kiểm tra, xử lý nghiêm việc chuyển sở hữu, "tư nhân hoá ngầm" đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tư nhân theo "quy trình tắt", không công khai và không đấu giá...

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cũng kiểm tra tình trạng "cho thuê", "cho mượn" đất công không đúng quy định; rà soát các khu đất đã cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm...

Đối với các đơn vị thành phố Thanh Hoá, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn thực hiện rà soát đất của các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành dọc của Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, trường hợp không có nhu cầu sử dụng để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý...

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng đề nghị Ban Thường vụ các huyện, thị, thành uỷ tăng cường chỉ đạo và yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên.

Trước đó, báo Tiền Phong đã phản ánh hàng trăm cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp cơ quan, đơn vị hành chính ở Thanh Hoá chưa xử lý hiệu quả. Nhiều tài sản không sử dụng trong thời gian dài đã bị hư hỏng, xuống cấp, hoang phế. Trong khi đó, việc chuyển đổi công năng sử dụng, bàn giao công trình, tài sản công cho cơ quan, đơn vị khác quản lý, sử dụng chưa nhiều, gây lãng phí tài sản của Nhà nước...

Tình trạng trên có nguyên nhân khách quan là do hệ thống văn bản quy định hướng dẫn về xử lý tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thời điểm này chưa cụ thể; quy trình, thủ tục xử lý nhà, đất, trụ sở của các cơ quan, đơn vị còn phức tạp... Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền các địa phương chưa tích cực, chủ động trong việc xây dựng phương án, cũng như tiến hành trình tự, thủ tục pháp lý để xử lý tài sản công dôi dư; việc vận dụng các quy định của pháp luật trong xử lý tài sản công sau sắp xếp của các địa phương, đơn vị chưa thật sự thống nhất...