“Tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã lạc hậu

TP - Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt trao đổi xung quanh tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” với những hội hè đình đám liên miên, cán bộ công chức bỏ việc đi chùa, đi lễ hội.
Biển người chen lấn, giẫm đạp nhau xem Lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc ngày 16/2. ảnh: hồng vĩnh

Ông Bạt nói: Trong lao động nông nghiệp cổ xưa, lao động nông nghiệp truyền thống có tháng Giêng gọi là tháng ăn chơi, đấy là một cách người ta mô tả chất lượng hay tính chất lao động của tháng Giêng, do người ta phải làm những việc phi nông nghiệp như làm nhà, lấy vợ, tậu trâu, hội hè.

Hội hè có phải chỉ là đi hội đâu, đi hội cũng là đi tìm người yêu. Nông dân quanh năm cắm mặt xuống ruộng, thì giờ đâu để tìm người yêu. 

Tháng Giêng là tháng của liền anh liền chị, là tháng người ta đi tìm những yếu tố mà những tháng lao động không có. Bởi những thửa ruộng luôn ở cạnh nhau, các đối tượng quen thuộc quá, đối tượng lao động trên những cụm địa lý quen thuộc quá, người ta không tìm thấy yếu tố mới. Chính vì thế mới có hát liền anh liền chị, mới có hát xoan.

Tháng Giêng- tháng ăn chơi là cả một chìa khóa, một mật mã để cải thiện đời sống tâm lý của người lao động nông nghiệp. Người lao động nông nghiệp không phải là người lao động công nghiệp, cũng không phải người lao động hành chính, do đó tháng Giêng- tháng ăn chơi ấy không thuận tự nhiên với lao động hành chính, lao động công nghiệp. 

Vì thế không nên phát huy các đặc điểm tự nhiên của lao động nông nghiệp sang các khu vực khác.

Trong cuốn “Đối thoại với tương lai” ông viết: “Hãy trả lại cho người Việt những đặc điểm tự nhiên vốn có và hãy tôn trọng những phẩm chất tự nhiên đó”. Phải chăng ăn chơi tháng Giêng nằm trong những đặc điểm tự nhiên vốn có?

Gọi tháng Giêng- tháng ăn chơi là một biện hộ, nó lạc hậu là bởi vì ta lợi dụng nó.

Tháng Giêng không làm gì được, trời mưa ẩm ướt, cây cối cần sự yên tĩnh để đâm chồi nảy lộc, con người cần phải rón rén tránh xa mọi thứ ra để cho hoa nó nở, cho trái nó đậu, cái đấy là một sự biện hộ rất dễ thương. Tất cả những thứ chúng ta đang khai ra để UNESCO tặng thưởng các thành tựu phi vật thể chính là được đúc kết trong tháng Giêng là tháng ăn chơi ấy.

Ông lý giải thế nào về thực tế chúng ta có quá nhiều lễ hội?

Ta thiếu không gian để tạo ra đời sống tinh thần của con người, con người vất vả quá. Tôi thấy nông dân rất tội nghiệp, thời lượng để cấu trúc lại đời sống tinh thần, dành cho việc tái cấu trúc đời sống vật chất, đời sống sức khỏe- rất kém. 

Những dịch vụ phụ trợ cho con người ở nước ta kém, do đó nông dân phải trốn cái vất vả của lao động thật sự xung quanh lễ hội.

Không phải họ yêu lễ hội mà họ sợ sự vất vả ở những khu vực khác, cái đấy phải lưu ý. Đói và không được ăn ngon một cách thường xuyên có thể làm cho con người lẩn trốn vào trong tết, trong lễ, trong hội để đi tìm kiếm miếng ăn ngon hơn, bữa nhậu thú vị hơn.

Khi nào chúng ta phân tích chi tiết như thế thì mới thấy rằng thật ra là tội nghiệp cho con người, thật ra cần phải bênh vực con người, cần nhìn thấy những thiệt thòi của người Việt Nam để tìm kiếm cách cảm thông và giải thích một cách nhân văn tất cả các khuyết tật, trong đó có khuyết tật: quá nhiều lễ hội.

Dù rất nhiều lễ hội nhưng người dân không hẳn đã được hưởng một lễ hội thực sự truyền thống, thực sự an toàn, mà vẫn phải đối mặt chặt chém và đe dọa. Theo ông thì tư duy lễ hội của người Việt và nước ngoài khác nhau cơ bản điều gì?

Tôi không có nhiều thời gian dự nhiều lễ hội ở nước người, nhưng tôi đi qua cuộc sống của họ. Tôi quan sát thì thấy lễ hội của người ta thường gắn liền với một sản phẩm nào đó, lễ hội rượu nho chẳng hạn. 

Tôi đã đến lễ hội rượu nho ở xung quanh lưu vực sông Đa-nuyp, ở nước Áo, nước Đức, và một số nước khác. Lễ hội ấy nước nào cũng có, nhưng nó diễn ra khác nhau ở nhiều quốc gia.

Ví dụ ở Áo, anh có thể nếm thoải mái tất cả các loại rượu, từ rượu bằng các loại quả nho đến rượu bằng các loại hạt nho. Tôi nghĩ rằng các hình thức như vậy nó tạo ra sự đa dạng, và sự đa dạng nào cũng là đặc trưng của văn hóa.

Không phải tất cả các lễ hội của người ta đều gắn liền với vui chơi mà nó gắn liền với sản xuất và bán hàng. Chúng ta càng làm cho lễ hội gắn liền với đời sống kinh tế bao nhiêu thì chất lượng hợp lý của hiện tượng ấy càng tốt bấy nhiêu. Có lẽ nên phát triển văn hóa Việt Nam theo khuynh hướng như thế.

Càng lạm dụng lễ hội càng nảy sinh tiêu cực, ai cũng kêu ca chuyện này nhưng rồi cứ thế từng mùa lễ hội lại qua đi?

Ông Nguyễn Trần Bạt

“Không có tiền thì chỉ có ăn chứ không chơi được. Ăn chơi là dựa trên cơ sở phải kiếm được tiền đã. Tháng Giêng có thể là tháng kiếm tiền của người này và là tháng ăn chơi của người kia, cho nên tôi nghĩ nó không cứng nhắc cho tất cả mọi người, và cũng không cứng nhắc cho cả dân tộc.

Nguyễn Trần Bạt

Chúng ta có phải hưởng thụ lễ hội một cách tinh thần thuần túy không? Tất cả các dấu hiệu tinh thần khi tham gia lễ hội có phải đều lành mạnh không? Có cầu cạnh thần Phật cho các lợi ích do nhận thức của con người không? Tôi nghĩ rằng có mặt tiêu cực của nhận thức hay của các đòi hỏi tham gia vào các lễ hội hay không thì cái đó buộc phải phân tích kỹ. Nói bất kỳ điều gì một cách khiên cưỡng hay một cách thiếu nghiên cứu về chuyện này đều sai. Tôi cho rằng nếu lễ hội lành mạnh thì con người mới tái sản xuất được, tái cấu trúc lại được các giá trị tinh thần lành mạnh của mình. Còn nếu lễ hội ấy được tham gia với một tinh thần không lành mạnh thì nó có hại, và nhớ một điều là cần phải cảnh giác với những thứ làm cho nền văn hóa của chúng ta không còn lành mạnh.

Và phải chăng văn hóa tháng Giêng- tháng ăn chơi tồn tại cùng với sự tồn tại của lễ hội nhiều thế này cũng vì một phần vì lợi ích từ lễ hội đem rất lớn cho một số nhóm?

Có thể, trong mỗi một giai đoạn lịch sử khác nhau sự đầu cơ xung quanh các hiện tượng văn hóa nó diễn ra khác nhau. Bây giờ có những chùa, những lễ hội mới hình thành vài ba năm mà tôi thấy ít liên quan văn hóa Việt Nam.

Mạnh vì gạo bạo vì tiền, người ta biến những thứ rất tạm bợ trở thành văn hóa, cho nên chúng ta có một cộng đồng văn hóa nhiều khi phụ thuộc vào nhận thức hoặc phụ thuộc vào lực lượng của các nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích không chỉ đơn thuần trong kinh tế, các nhóm lợi ích có cả trong khu vực “phi vật thể”. Các nhóm lợi ích phi vật thể có thể tạo ra sự méo mó của không gian văn hóa Việt Nam.

Một mặt cần tôn trọng nhu cầu của người dân song tinh thần “tháng Giêng tháng ăn chơi” không thích hợp với đời sống hiện đại. Theo ông làm thế nào để dung hòa mâu thuẫn này?

Đời sống hiện đại đòi hỏi con người phải lao động nhiều hơn, phải tích cực hơn, đòi hỏi con người phải lao động thích hợp với các cộng đồng lao động khác. Do đó, nếu giữ những định nghĩa cổ điển, chúng ta sẽ thất bại, kể cả trong việc “ăn chơi”. 

Không có tiền thì chỉ có ăn chứ không chơi được. Ăn chơi là dựa trên cơ sở phải kiếm được tiền đã. Tháng Giêng có thể là tháng kiếm tiền của người này và là tháng ăn chơi của người kia, cho nên tôi nghĩ nó không cứng nhắc cho tất cả mọi người, và cũng không cứng nhắc cho cả dân tộc.

Phải bảo vệ được việc hình thành các đặc trưng văn hóa đồng thời vẫn bảo vệ lợi ích vật chất của con người trong quá trình nghỉ ngơi đối với người này và quá trình thương mại đối với người kia. Có người không hề ăn chơi gì trong lễ hội nhưng rất hạnh phúc vì kiếm được nhiều tiền khi bán hàng ở trước cửa chùa và trước cửa đình.

Và hạnh phúc của người bán được hàng trước cửa chùa, cửa đình trong lễ hội chắc gì đã kém hạnh phúc của những người hưởng thụ vui chơi ở lễ hội. Chúng ta nhìn thấy lợi ích vĩ mô và vi mô trong từng vấn đề thì sẽ đến gần sự hợp lý.