“Chuyến bay” mới
Như rất nhiều cuộc chơi chung và riêng trước đó, điêu khắc trẻ họ Thái lại một lần nữa mang đến cho công chúng sự mới mẻ, đầy thích thú qua triển lãm “Tìm trong ký ức”.
Minh bảo, đây là lần đầu tiên anh chơi với gốm một cách nghiêm túc, trước đây có nghịch đôi ba lần nhưng chỉ nửa vời. Lần này, để thể hiện độ say đắm của mình, thay vì nhốt mình ở xưởng, Minh về hẳn làng gốm Hương Canh ở Vĩnh Phúc, một làng nghề nổi tiếng trong quá khứ đang dần bị mai một, xin “ăn nhờ ở đậu” nhà người dân hơn 1 năm trời để tìm hiểu về những “Chỉnh giắt”, “Thóng bằng”, “Thóng lá”, “Bìm”, “Chậu đậu”, “Bát Hùa”... cũng như những hình thể rất đặc trưng của nó, gợi nên ký ức về cuộc sống của nhiều thế hệ trước đây gắn liền với chum tương, vại cà, lọ mắm... cùng các vật dụng sinh hoạt thiết yếu của dòng gốm này.
Với sự giúp đỡ của các nghệ nhân nơi đây, Thái Nhật Minh đã hiểu hơn về lịch sử của làng gốm, tên gọi của từng sản phẩm, giúp anh tìm lại những hình thể cổ xưa của gốm Hương Canh, điều mà nếu không về tận nơi, Nhật Minh sẽ không bao giờ thực hiện được loạt tác phẩm này.
Tái tạo lại những hình thể cổ xưa, nhưng các tác phẩm gốm Hương Canh ở triển lãm “Tìm trong ký ức” vẫn mang tinh thần rất Thái Nhật Minh. Mặt trong của các bình gốm được Minh dán bạc, dán vàng và phủ sơn cánh dán, gợi nên sự thiêng liêng và truyền thống. Những lu, vại, hũ, bình đều được Minh thêm vào những chi tiết tượng trưng cho đầu, đuôi, mỏ của con chim. Và tất cả chúng đều được treo lên. Những vật dụng dân dã, quen thuộc với đời sống của người dân xưa nay, bỗng trở thành những “con chim” ngộ nghĩnh của riêng Thái Nhật Minh.
“Không gian của con chim là không gian vô hạn của bầu trời, của sự rộng lớn. Những cánh chim thể hiện cho ước mơ vượt lên giới hạn của giá trị truyền thống vốn đã định hình bao đời nay của gốm Hương Canh”, Thái Nhật Minh lý giải về những tác phẩm của mình.
Hình tượng cánh chim là đề tài quen thuộc trong nhiều triển lãm của Thái Nhật Minh. Thậm chí, anh từng có hẳn triển lãm “Những con chim” để thể hiện khát vọng của mình. Những khát khao muốn vượt qua những trở ngại, khó khăn, cả những tù túng, chật hẹp để mở đôi cánh, vươn đến khung trời mới rộng lớn, nơi có những đường bay.
Việc tìm đến với gốm lần này, theo Thái Nhật Minh cũng là lẽ tự nhiên, trong “hành trình bay” trải nghiệm chất liệu mà anh đã theo đuổi suốt bao năm qua từ nhôm đúc đến gỗ, đá, giấy, sắt, đồng… Điêu khắc trẻ cũng tiết lộ, “Tìm trong ký ức” sẽ là một chuỗi những câu chuyện còn tiếp tục, chứ không chỉ dừng lại ở gốm Hương Canh. Sau khi triển lãm kết thúc, anh sẽ lại tìm về những làng gốm khác, bởi mỗi nơi, mỗi một loại gốm đều có hồn cốt và những câu chuyện riêng mà anh muốn khám phá, trải nghiệm.
Điêu khắc cũng cần sự tử tế
Điêu khắc vốn vẫn được giới mỹ thuật xem là “lãnh địa” đầy khô khan và ít tìm ra trái ngọt. Có dạo, điêu khắc họ Thái cũng đã từng thử vẽ nhưng rồi nhận ra chỉ khi sử dụng ngôn ngữ điêu khắc, anh mới thể hiện tốt nhất ý tưởng của mình. “Gia đình tôi đều làm nông, tuổi thơ của tôi là những ngày tha thẩn chơi một mình với đất cát. Ngày bé, tôi rất thích trộn đất với nước để nặn những con thú rồi ngồi chuyện trò với chúng”, anh nhớ lại. Và tình yêu với điêu khắc cứ lớn dần trong Thái Nhật Minh một cách hồn nhiên, bền bỉ như thế.
Tốt nghiệp Cao học điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Thái Nhật Minh đã giành được không ít những giải thưởng về mỹ thuật và thực hiện thành công rất nhiều triển lãm về điêu khắc. Nhưng cũng có dạo, tên anh khiến giới mỹ thuật và công chúng phải một phen ồn ào. Loạt tác phẩm “Những con chim” được đánh giá rất cao tại Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc, rồi bỗng dưng bị cho là sao chép ý tưởng, được trao giải Nhất rồi lại hạ xuống giải Khuyến khích.
Nhắc lại chuyện cũ, Thái Nhật Minh đối diện rất điềm tĩnh và thẳng thắn: “Đó là một sự hiểu lầm đáng tiếc. Sau đó Ban tổ chức cũng không có một sự khẳng định nào cả. Thời gian và những gì tôi làm cũng đã minh chứng cho con đường tôi đang đi. Đại lộ lớn thì lúc nào cũng có nhiều người đi, nhưng không phải ai cũng đi về một đích. Đôi khi họ phải gặp nhau ở một đoạn, trước khi tách dần ra con đường của riêng mình”.
Nói đến đường riêng của mình, Thái Nhật Minh thích làm những tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu ít đắt đỏ, tác phẩm nhỏ gọn, gần gũi với đời sống. “Tôi thích câu chuyện nhỏ, cái nhìn đa chiều và sự chiêm nghiệm sâu sắc”, anh nói. Các tác phẩm của anh là những sự vật tưởng như quen thuộc, giản đơn nhưng lại tạo dấu ấn bằng cách “chơi” đầy ngẫu hứng với hình khối, màu sắc.
Và sự cần mẫn đó được trả công xứng đáng. Ngoài những tác phẩm bán rất chạy trong triển lãm “Những con chim”, thì các chú dê trong bộ sưu tập “Mừng năm mới 2015” của Thái Nhật Minh làm từ bột giấy, keo, que đồng, màu nước cũng đã được mua sạch sau triển lãm.
Trong giới điêu khắc, Thái Nhật Minh là nghệ sĩ hiếm hoi có thể sống ổn với nghề nhờ bán tác phẩm, mà không cần nghề tay trái. Minh luôn tâm đắc câu nói “Đừng theo đuổi thành công, hãy theo đuổi ước mơ và sau đó thành công sẽ đuổi theo bạn”. Điều đó nhắc anh không để những tác phẩm của mình chạy theo thị hiếu, thị trường, bởi theo anh “công chúng mua một tác phẩm là họ mua ý tưởng, mua đời sống tinh thần của người nghệ sĩ chứ không phải đơn thuần là mua một thứ đèm đẹp về bày”.
Vì “bảo thủ” như thế nên cũng có khi Thái Nhật Minh bị “ế”. Triển lãm “Chinh phu chinh phụ” (năm 2016) gây ấn tượng với công chúng là thế, bản thân Thái Nhật Minh cũng đầu tư tiền bạc và 4 năm trời thực hiện đắm đuối là thế nhưng cuối cùng vẫn chưa bán được tác phẩm nào. Tất nhiên, trong giới mỹ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng, việc nghệ sĩ triển lãm xong phải mang tác phẩm về “tự tặng mình” là chuyện rất bình thường. Thái Nhật Minh thì vẫn tự tin rằng “Với những tác phẩm tử tế thì không lo không bán được, vấn đề chỉ là trước hay sau. Vì thế, tôi cứ làm việc tử tế trước đã”.
Thái Nhật Minh có một cuốn sổ nhỏ luôn mang bên mình, để anh ghi lại những ý tưởng nẩy ra bất chợt. Cuốn sổ chi chít những hình vẽ. Nhờ nó mà Minh không bao giờ nghèo túng ý tưởng và quá trình sáng tạo của anh hiếm khi đứt đoạn.
Hầu hết thời gian, Minh “trốn” trong xưởng điêu khắc riêng ở Long Biên, nơi bên rìa thành phố, tách biệt ồn ào, vồn vã để anh có thể tự do sống với thế giới hình khối của mình. Để tăng năng suất làm việc, anh thường làm một lúc nhiều việc, có khi cùng lúc thực hiện gần chục ý tưởng. Không đợi để kết thúc cuộc này, anh đã nung nấu ý tưởng cho những cuộc khác. Anh xem những triển lãm đơn giản chỉ là mốc đánh dấu việc hoàn thành một ý tưởng của mình. Và khi triển lãm kết thúc, anh lại quay về xưởng để tiếp tục những câu chuyện còn dang dở. Ở đó, có những ý tưởng chưa thành hình, có những ý tưởng sắp “chín” và có cả những ý tưởng thất bại.
Nếu không tìm thấy Thái Nhật Minh ở xưởng thì có thể anh chàng đang lang thang ở một cửa hàng sách nào đó, hoặc trốn tiệt trong một quán café yên tĩnh để đọc sách. Anh tâm niệm: “Điêu khắc là thứ ngôn ngữ rất cô đọng và cần nhiều tính triết lý. Với một nghệ sĩ điêu khắc, để làm một tác phẩm đẹp không khó, nhưng để tác phẩm đó có hồn, có câu chuyện thì không hề đơn giản, rất cần nền tảng kiến thức sâu rộng và trải nghiệm cuộc sống”.
Thái Nhật Minh đã có 4 triển lãm cá nhân, anh cũng đã đoạt nhiều giải thưởng về mỹ thuật trong đó có Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2014, Giải Nhì Festival Mỹ thuật trẻ Toàn quốc lần thứ 3 (2011-2014).