Thách thức chờ Tổng thống Moon Jae-in

TPO - Chiến thắng của ông Moon Jae-in đồng nghĩa với việc phe tự do tại Hàn Quốc chính thức trở lại chính trường sau 9 năm dưới quyền của phe bảo thủ.
Nhiều thách thức chờ tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Yonhap

Vị Tổng thống thứ 19 có nhiệm vụ nặng nề là khôi phục uy tín của hệ thống chính trị trong lòng dân chúng thông qua một cuộc “đại phẫu” về đối nội và đối ngoại để tìm cách hàn gắn xã hội đang bị chia rẽ sâu sắc, khôi phục kinh tế, xóa bỏ mối lo Triều Tiên và giải quyết mối quan hệ đang "trục trặc" với Trung Quốc và Mỹ.

Về vấn đề đối nội

Hiện tại, người dân Hàn Quốc mang tâm lý chán ngán hệ thống chính trị hiện thời và mong muốn khát vọng thay đổi.

Những bê bối chấn động liên quan tới tham nhũng và lạm dụng quyền lực đã khiến người dân Hàn Quốc xuống đường biểu tình rầm rộ đòi xây dựng một hệ thống chính trị "trong sạch".

Đặc biệt, việc  tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất trong hơn 20 năm qua đã phản ánh khát vọng này của người dân nước này đối với hệ thống chính trị hiện thời.  Điều này có nghĩa ông Moon Jae-in sẽ cần có những thay đổi chính trị sâu sắc hơn để dập tắt sự bất mãn trong dân chúng.

Mặt khác, nền kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với một loạt thách thức. Sau tác động của các đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc khi Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), “cỗ máy” kinh tế này đã mất khả năng chịu đựng và rơi vào tình trạng đình trệ.

Trong khi đó, những nguy cơ từ bên ngoài, như khả năng Mỹ thực hiện một chính sách thương mại theo hướng bảo hộ hơn sẽ có thể gây thêm tác động tiêu cực. Như vậy, kinh tế cũng là bài toán có quá nhiều ẩn số đang chờ ông chủ mới của Nhà Xanh. 

Về vấn đề đối ngoại

Ngoài việc phải đương đầu với vấn đề đối nội, tân Tổng thống Hàn Quốc cũng rất đau đầu trong việc đối phó với vấn đề đối ngoại. Việc triển khai THAAD giống như “cái gai” trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc.

Ngay từ đầu, ý tưởng về THAAD đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh và việc triển khai hệ thống này đã khiến Hàn Quốc gánh chịu những đòn trả đũa kinh tế nặng nề và làm quan hệ Trung-Hàn “tụt dốc”.

Trong khi đó, tuy THAAD là bằng chứng mới nhất của một mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn “nồng ấm”, nhưng tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề cập việc buộc Seoul trả 1 tỷ USD chi phí triển khai THAAD, đã khiến người dân Hàn Quốc bất bình và đặt câu hỏi về quan hệ đồng minh lâu năm này.

Như vậy, ông Moon Jae-in sẽ phải tìm cách giải thoát Hàn Quốc khỏi thế bị mắc kẹt, sớm tìm ra một lối đi khôn khéo để vừa cân bằng quan hệ với nước lớn, trong khi đảm bảo ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

Một vấn đề được dư luận Hàn Quốc quan tâm hàng đầu là sự điều chỉnh chính sách của ông Moon Jae-in đối với Triều Tiên, sau khi quan hệ hai bên liên tiếp căng thẳng suốt thời gian cầm quyền của bà Park.

Theo ông Moon Jae-in, chỉ có đàm phán đi kèm với các thỏa thuận về kinh tế, thương mại với Triều Tiên mới giúp làm giảm căng thẳng và thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chính sách quân sự của mình.

Tuy nhiên, chủ trương này của ông Moon Jae-in dường như đi ngược lại với chính sách cứng rắn của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên. Điều đó nghĩa là ông Moo Jae-in sẽ vấp phải sự phản đối từ phía Washington.

Mặc dù chính ông Moon Jae-in từng gọi Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc và tự nhận là “người bạn của nước Mỹ”, nhưng ông cũng từng tuyên bố Seoul phải học cách nói “không” với Washington.

Theo ông, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc hiện nay đang ở mức quá cao. Điều này cho thấy ông Moon Jae-in sẽ phải giải bài toán khó khăn trong quan hệ Mỹ-Hàn.

Chiến thắng của ông Moon Jae-in đã giúp chấm dứt tình trạng khoảng trống lãnh đạo nguy hiểm kể từ khi bà Park Geun-hye bị phế truất, song còn đó vô số bài toán "hóc búa" liên quan tới chính trị, xã hội, kinh tế, an ninh và đối ngoại đang chờ ông chủ mới Nhà Xanh giải đáp.