Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: với diện tích lúa bị thiệt hại, căn cứ chính sách hiện hành, các địa phương ứng tiền hỗ trợ cho nông dân ngay, quyết toán sau. Vốn nông dân vay sản xuất diện tích lúa đã thiệt hại, ngân hàng khoanh nợ, không tính lãi.
Đồng bằng ngập mặn
Theo số liệu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, khoảng một nửa diện tích ĐBSCL đã ngập trong nước có độ mặn hơn 4g/lít. Nhiều thành phố tỉnh lỵ nằm trong vòng vây nước mặn 4g/lít: Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo nói: “Nước sinh hoạt ở Bến Tre không còn mặn nữa mà đã đắng, nhà máy đang cấp nước sinh hoạt độ mặn trên 2 g/lít. Các bệnh viện, trường học, khách sạn cần nước ngọt phải đăng ký để xe chở, sử dụng cả xe bồn của cảnh sát PCCC để chở nước. Người dân ở 40 xã đang phải mua nước ngọt hoặc lợ ở ao hồ với giá 40.000 - 70.000 đồng/m3”. Ông cho biết thêm, 150.000 con bò cũng thiếu nước uống và vì lúa chết nên thiếu cả rơm, phải mua rơm từ tỉnh Đồng Tháp mỗi bó 20 kg, giá 15.000- 30.000 đồng. Nhiều hộ bán bò và giá lại giảm, mỗi con bò bán lúc này nông dân thiệt 10 triệu đồng. “Đáng lo hơn, có 1.225 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng mặn, thiếu nước tưới, chưa biết hậu quả thế nào”, ông Hạo nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: “Nước trong 42.000 ha rừng tràm đang cạn mỗi ngày 1-2 cm, chúng tôi đang lo nước kiệt mà rừng tràm phát hỏa thì không có nước chữa”. Độ mặn tăng cũng làm tôm nuôi (Cà Mau kim ngạch xuất khẩu một năm hơn 1 tỷ USD) tăng dịch bệnh gấp 3 lần so với năm trước.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng, buồn bã thông báo diện tích lúa bị thiệt hại đã vọt lên 55.000 ha, tăng 12% so với tuần trước và 62% so với tháng trước. “Thiệt hại nông nghiệp của Kiên Giang đã khoảng 1.200 tỷ đồng, thiếu nước ngọt đang lan đến vùng Kiên Lương. Tuy nhiên, thiếu nước ngọt trầm trọng là các xã đảo ở huyện Kiên Hải, đang phải dùng xà lan chở nước từ đất liền ra hàng ngày, vì trên đảo không có nước ngầm”.
Bài toán đầu tư
Hiện có 6 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn, mặn là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang. Xâm nhập mặn đã đạt mức lớn nhất trong lịch sử gần trăm năm quan trắc. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cảnh báo, mùa khô năm 2016 có thể kéo dài đến tháng 6/2016, muộn hơn so với trung bình nhiều năm gần 2 tháng, “nên tình hình khốc liệt còn ở phía trước”.
Cần nhiều giải pháp ứng phó, cấp bách trước mắt lẫn lâu dài. Và cũng như mọi cuộc họp phòng chống thiên tai, bàn đến các giải pháp là đụng đến vốn, các địa phương đều kiến nghị trung ương hỗ trợ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, các địa phương kiến nghị Trung ương “hỗ trợ khẩn cấp” 650 tỷ đồng. Còn xây dựng các “công trình cấp bách nhất trong các công trình cấp bách” cần 1.060 tỷ đồng. Nhu cầu hoàn chỉnh các dự án đảm bảo khép kín ngăn mặn, trữ ngọt có hiệu quả, cần 32.000 tỷ đồng. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, nguồn Trung ương “hỗ trợ khẩn cấp” xác định được 137 tỷ đồng. Vốn đầu tư của Trung ương chủ yếu còn chờ vào hơn 200.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ mà tới đây mới xin phép Quốc hội, việc thương thảo vay vốn ODA của JICA và WB.
Giữa nhu cầu lớn và khả năng hạn hẹp nguồn vốn, các đại biểu thảo luận đã đặt ra bài toán đầu tư sao cho hiệu quả. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra những yếu kém trong đầu tư thời gian qua là thiếu đồng bộ, cơ chế điều hành thiếu liên kết và phối hợp giữa các địa phương trong vùng nên hiệu quả đầu tư không cao. Ông Dũng kiến nghị: “Rà soát lại các dự án đang đầu tư dở dang, sắp xếp thứ tự ưu tiên, bố trí vốn tập trung, dứt điểm, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác có hiệu quả”. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Thể, đề xuất xây dựng nhà máy cấp nước tính tới liên vùng để khai thác nước mặt ở thượng nguồn, giữ nước ngầm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: hạn và mặn lịch sử đang đặt ra những thách thức lớn phải vượt qua. Ông đồng ý với các kiến nghị tư duy liên vùng trong ứng phó, chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch bám sát diễn biến mới và giao Bộ KH&ĐT thực hiện. “Đặc biệt là thủy lợi bây giờ phải tính toán phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và cả thích ứng với biến đổi khí hậu, phải đặt trong tổng thể cả vùng, cả biển Đông và biển Tây. Từ đó, xem xét các công trình ưu tiên, rút kinh nghiệm vừa qua, bây giờ làm đồng bộ, có hiệu quả. Việc này giao Bộ NN&PTNT kết hợp với các địa phương ĐBSCL”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Khi Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà báo cáo, nguyên nhân chính làm cạn kiệt nước là các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông của Trung Quốc và kiến nghị Chính phủ có công hàm đòi Trung Quốc xả nước, Thủ tướng chỉ đạo: Bộ TN&MT chuẩn bị nội dung công hàm với các số liệu cụ thể ngay sau hội nghị.