Sáng 30/10 tại Đắk Lắk diễn ra Hội thảo Đánh giá rủi ro của biến đổi khí hậu có sự tham gia và xây dựng giải pháp ở cộng đồng do Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) tổ chức.
Mở đầu cuộc hội thảo, ông Trần Nam Thắng, chuyên gia Tropenbos Việt Nam chiếu những hình ảnh tang thương do mưa lũ, sạt lở đất ở miền Trung-Tây Nguyên để dẫn chứng cho hậu họa của BĐKH và cái giá của việc ồ ạt phá rừng, chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích kinh tế khác.
Ông Thắng chia sẻ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu
Ông Thắng nhấn mạnh, rừng Tây Nguyên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, nguồn nước không chỉ ở khu vực mà của cả nước. Qua nghiên cứu, khảo sát sơ bộ, người dân Tây Nguyên đang canh tác trên 500.000 ha đất lâm nghiệp (tương đương diện tích rừng bị mất). Rừng tự nhiên suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, kéo theo tình trạng xói mòn, rửa trôi, suy thoái tài nguyên đất.
Nhiều nơi ở Tây Nguyên trong đó có khu vực sông Sêrêpốk (Đắk Lắk) đang chịu tác động tiêu cực của BĐKH như: Mực nước ngầm giảm trầm trọng, nhiều giếng khoan sâu không có nước; Mưa dồn dập, có nơi lượng mưa vài ngày đã bằng trung bình cả năm gây ra lũ quét, sạt lở…
Những quả đồi trọc tại huyện Lắk
Tác động tiêu cực của BĐKH đối với môi trường và con người đã hiện hữu. Chị Đàm Thị Linh Nhâm (xã Đắk Phơi, huyện Lắk, Đắk Lắk) chia sẻ: “Trước đây, quanh nhà tôi rừng nhiều lắm, có cả thú như khỉ, nai, heo… Con người sống chan hòa với thiên nhiên và nắm được quy luật của thời tiết để gieo cấy mùa vụ. Nhưng rồi, mỗi năm rừng mất một ít, đến nay gần như trọc hết. Thời tiết theo đó cũng dị thường như: Năm mưa sớm, năm hạn nặng. Mùa khô vừa qua, tôi phải vét từng vũng nước cuối cùng của lòng suối để cứu 1,8 ha cà phê ngắc ngoải vì hạn”.
Ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Tropenbos Việt Nam khẳng định, người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH. Nhiều giải pháp thích ứng cũng như giảm tác động tiêu cực của BĐKK, trong đó đơn giản mà rẻ tiền nhất là bảo vệ bằng được rừng tự nhiên. Ông khuyên không nên đánh đổi rừng cho các mục tiêu kinh tế và đừng “chê” rừng nghèo kiệt bởi nó có những giá trị sinh thái như giữ đất, nước và điều hòa nhiệt độ...