PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định, ổ dịch Bắc Ninh đã được kiểm soát, những ngày tới vẫn ghi nhận rải rác các ca nhiễm mới nhưng sẽ không bùng lên nữa.
Tình hình dịch tại Bắc Giang đã trong vòng kiểm soát, nhưng số các mắc mới có thể tăng do tốc độ xét nghiệm các F1 (đã cách ly) đang được đẩy mạnh. Ông Phu đề nghị các địa phương siết chặt công tác cách ly tập trung để tránh lây nhiễm chéo.
Ban Chỉ đạo cũng thảo luận giải pháp để các nhà máy, doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng lớn ở Bắc Ninh, Bắc Giang được tiếp tục hoạt động nếu cam kết thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch trong toàn bộ quy trình sản xuất ở mức cao nhất.
Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn cụ thể Bắc Giang, Bắc Ninh “tìm mọi cách để đưa các nhà máy lớn trở lại hoạt động sớm nhất”. Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương ban hành văn bản gỡ vướng cho sản xuất, lưu thông hàng hoá.
Trong tầm kiểm soát
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sĩ Hiệp truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa có ổ dịch mới không rõ nguồn lây, đã có 3 tỉnh qua 14 ngày không phát hiện ca nhiễm mới. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn khống chế được tình hình dịch bệnh, đảm bảo điều kiện an toàn để tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp”.
Về quỹ mua vắc-xin phòng COVID-19, nguyên tắc chung là Nhà nước đảm bảo tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ khuyến khích và ủng hộ chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, người dân chung sức với Chính phủ. Việc sử dụng quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy chế, quy định pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định hướng dẫn các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch.
Mạnh dạn đổi mới xét nghiệm, cách ly, điều trị
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ các ổ dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang phải quản lý chặt công nhân làm trong khu công nghiệp, không để lan ra các tỉnh. Đồng thời, Bắc Ninh, Bắc Giang cần nhanh chóng đưa các doanh nghiệp đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ sớm trở lại hoạt động, đặc biệt là doanh nghiệp có chuỗi cung ứng lớn.
Bộ Y tế phải trực tiếp chỉ đạo Bắc Ninh, Bắc Giang để giải quyết vấn đề này, đưa ra điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh để doanh nghiệp chấp nhận thực hiện thì đi vào sản xuất ngay.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xây dựng mô hình mẫu để nếu có dịch ở những nơi tập trung đông người như các khu công nghiệp thì không bị lúng túng khi ứng phó. Trong đó có tình huống F1 quá nhiều phải thí điểm ngay việc cách ly tại nhà bảo đảm an toàn, “mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng”.
Đổi mới sắp xếp bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, điều hành chuyển tuyến khi bệnh nhân có triệu chứng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tiếp tục đổi mới xét nghiệm, không chỉ ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà ở tất cả các tỉnh. Khuyến khích tập huấn, yêu cầu các tỉnh phải kết hợp các loại xét nghiệm, tăng cường công suất bằng cách xét nghiệm mẫu gộp, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý quy trình lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả.
Bộ Y tế chỉ đạo sớm có hướng dẫn để trong trường hợp cần thiết, như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, công nhân khu công nghiệp có thể tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh dưới sự giám sát, hỗ trợ của nhân viên y tế. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có nhu cầu sẵn sàng bỏ kinh phí mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh để xét nghiệm sàng lọc cho công nhân với tần suất cao hơn, bảo đảm an toàn cho sản xuất.
Chiều 21/5, tin từ Bệnh viện K cho biết sẽ gỡ bỏ phong tỏa Bệnh viện K cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp. Hai cơ sở này sẽ hoạt động trở lại từ ngày 24/5. Bệnh viện yêu cầu bệnh nhân khai báo y tế trước tại nhà và thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K cũng như hướng dẫn của cán bộ y tế trước khi tới khám, điều trị.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế làm rõ hai loại xét nghiệm là xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm tự nguyện.
Theo đó, người dân thuộc đối tượng phải xét nghiệm sàng lọc, truy vết theo yêu cầu, chỉ định của cơ quan y tế hoặc một số đối tượng như người đi nước ngoài, người đến bệnh viện… thì tích cực, chủ động tham gia để hỗ trợ cơ quan y tế đánh giá tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, Bộ Y tế không khuyến khích người dân tự bỏ tiền túi để xét nghiệm dịch vụ, vì không chỉ tốn kém mà còn gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch triệt để tại các ổ dịch ở Điện Biên. Các địa phương khác có công nhân trở về từ các khu công nghiệp có dịch phải sẵn sàng, nếu phát hiện, phải khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. “Mầm bệnh đã ở trong cộng đồng, lúc nào cũng có thể bùng phát, chúng ta chỉ lơ là 2 ngày là hết 1 chu kỳ lây nhiễm, sau 5 ngày là 2 chu kỳ lây nhiễm”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Ngày 21/5, Bộ Y tế cho biết, trong ngày có 132 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 ca cách ly ngay sau nhập cảnh, 131 ca còn lại ghi nhận trong nước. Bắc Giang là tỉnh có số bệnh nhân cao nhất với 99 ca. Tiếp đó là Bắc Ninh 14, Điện Biên 7, Hải Dương 3; Đà Nẵng, Hưng Yên, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều mỗi nơi 2 ca, Lạng Sơn, Hà Nội mỗi địa phương 1 ca. Cùng ngày, Bộ Y tế công bố 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong liên quan nhiều bệnh nền. Đến nay, Việt Nam ghi nhận 41 ca tử vong do COVID-19.COVID