'Tận thu' thí sinh

TP - Sau khi công bố điểm sàn, nhiều trường ĐH-CĐ “top dưới” ráo riết tận thu thí sinh từ các trường công lập có tiếng tăm.

> Điểm chuẩn Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên

Để có người học, tức là để tồn tại, nhiều trường dùng “chiêu” chào mời hứa hẹn hấp dẫn. Do vậy, không khó để hình dung chất lượng của những sản phẩm sau đào tạo tại những trường này sẽ thế nào.

Ly giải về tình trạng này, một nhà giáo cho rằng, có sự bất ổn ngay từ hệ thống đại học, cao đẳng. Lấy lý do tỷ lệ sinh viên trên tổng số dân còn thấp so với các nước, cơ quan quản lý nhà nước cho phép thành lập trường ĐH-CĐ dân lập một cách ồ ạt và kéo theo sự ồ ạt về thu hút người học.

Hệ quả là tỉnh thành nào cũng có ít nhất vài trường, trong đó có nhiều trường không đạt tiêu chuẩn cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực, đội ngũ giảng viên.

Tình trạng trường thuê, thầy mướn, trò mời là phổ biến trong hệ thống các trường ĐH dân lập hiện nay…

Trong khi đó, hệ thống giám sát của cơ quan quản lý nhà nước hình như chưa đủ năng lực hoặc chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí chiều lòng, thỏa hiệp với các trường ĐH-CĐ dân lập dẫn đến chất lượng đào tạo của hầu hết các trường này ngày càng sa sút.

Vì chất lượng kém nên không thu hút được người học giỏi, và để có người học thì phải hạ chuẩn… cứ như thế, các trường dân lập rơi vào vòng lẩn quẩn.

Chưa kể, vì mục tiêu lợi nhuận, phần lớn các trường ĐH-CĐ dân lập chỉ cốt làm sao lôi kéo được thật nhiều người học và bất luận chất lượng đào tạo như thế nào. Chính vì thế mới diễn ra nạn “tận thu” thí sinh.

“Tận thu” thí sinh - thực trạng nghe không thể vui nổi! Trách trường “top dưới” hay trách các nhà quản lý giáo dục? Tốt hay chưa tốt còn phải đánh giá ở nhiều khía cạnh và cần thời gian, nhưng lộn xộn, tranh cướp thí sinh thì đã có! Hơn nữa niềm vui hân hoan được vào đại học của sỹ tử sẽ không còn được như xưa?!

Theo Báo giấy