Trung Quốc:

Tấn công mỏ than, sát hại luôn cả 5 cảnh sát

5 cảnh sát Trung Quốc đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương tại khu trự trị Tân Cương, sau khi những kẻ vũ trang thực hiện một cuộc tấn công tại một mỏ than. Giới chức địa phương cho biết nhiều nghi phạm đang bỏ trốn và bị truy lùng.
Khu vực Tân Cương, Trung Quốc luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn (Ảnh: China Daily)

Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 18/9 nhưng đến nay mới được tiết lộ. Theo đó, một nhóm nghi phạm mang theo dao đã tấn công bảo vệ tại mỏ than Sogan, thuộc huyện Baicheng, Jamal Eysa, một lãnh đạo cảnh sát địa phương cho biết.

“Vụ tấn công xảy ra ở cổng của mỏ than, nơi có khoảng 20 bảo vệ canh gác tại thời điểm đó. Mục tiêu tiếp theo của những kẻ tấn công là nơi ở của chủ mỏ than, và sau cùng chúng tấn công cảnh sát khi họ tới hiện trường để kiểm soát tình hình”.

Eysa cho biết ông nhận được điện thoại từ thị trưởng thị trấn Baicheng sau đó, đề nghị tăng cường tuần tra và chuẩn bị cho khả năng bị tấn công tại mỏ Baicheng, nơi Eysa đồn trú, cách mỏ Sogan chừng 20km.

Một thông cáo chính thức sau đó khẳng định vụ việc xảy ra tại Sogan “đã được lên kế hoạch từ lâu, chuẩn bị kỹ lưỡng, có quy mô lớn do những kẻ ly khai tiến hành, nhắm vào cảnh sát và các chủ sở hữu mỏ than tại địa phương”.

Đồng nghiệp của ông Eysa, những người tham gia chiến dịch trấn áp cho biết, các nghi phạm “đến từ các nông trại kế bên” và họ đã “giành quyền kiểm soát chất nổ tại mỏ”.

“Đó là lí do vì sao chúng có thể gây tổn thất lớn như vậy cho cảnh sát, các doanh nhân người dân tộc Hán và chủ sở hữu khu xưởng”, vị sỹ quan cảnh sát cho biết và ước tính “ít nhất 40 người đã thiệt mạng và bị thương, bao gồm cảnh sát, nhân viên bảo vệ, chủ mỏ, các quản lý khu mỏ và cả những kẻ tấn công”.

Căng thẳng giữa cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi tại Tân Cương và những người Hán đã gây ra nhiều vụ bạo lực đẫm máu những năm qua. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực khắp khu vực mà Bắc Kinh cho rằng do những phần tử Hồi giáo tiến hành.

Các nhóm người Duy Ngô Nhĩ lưu vong và các nhà hoạt động nhân quyền thì cho rằng các chính sách đàn áp của chính phủ tại Tân Cương, bao gồm kiểm soát văn hóa Hồi giáo và Duy Ngô Nhĩ, đã khơi mào cho bạo động. Bắc Kinh vẫn bác bỏ lập luận này.

Theo Theo Dân trí