Bên cạnh sự dũng cảm làm nức lòng người dân đất Gốm, các “hiệp sĩ” Bình Dương khiến người thân nhiều phen đứng tim.
Giận ba là con bỏ ăn!
Trò chuyện với chúng tôi, chị Huỳnh Thị Kim Hạnh (SN 1981) là vợ của “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải – Nhóm trưởng CLB Phòng chống tội phạm Bình Dương kể: “Tính từ ngày quen nhau cho đến khi lấy nhau, tôi không hề biết chồng mình là “hiệp sỹ săn bắt cướp”.
Chị Hạnh nói, những ngày mới cưới, hễ nghe điện xong là anh Hải lên xe máy lao đi, có khi đến hôm sau mới về nhà. Chị gặng hỏi mãi thì chồng mới thú nhận mình là thủ lĩnh các “hiệp sĩ” ở Bình Dương. Gần 10 năm chung sống, chị Hạnh không nhớ bao nhiêu lần bản thân sợ hãi, lo lắng vì chồng. Không ít lần “hiệp sĩ” Hải truy đuổi tội phạm bị té ngã, phải nằm viện. Nhiều lúc nhìn chồng đứng giữa lằn ranh cái chết và sự sống, chị Hạnh chỉ biết ôm con vào lòng khóc. “Ngồi trên giường bệnh đút từng muỗng sữa, thìa cháo cho chồng mà lòng tôi nhói đau”, chị Hạnh sụt sùi.
Ngày mùng 3 Tết Bính Thân vừa qua, trên đường chở vợ con đi chúc Tết ông bà, khi đi tới trung tâm TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, “hiệp sĩ” Hải nhận được tin báo người dân mất trộm. Nghe xong, anh bỏ mặc ba mẹ con giữa đường rồi lao đi trong tiếng khóc của hai đứa trẻ.
“Năm nào đón giao thừa xong là ba con cũng đi bắt trộm, bắt cướp. Con muốn ba ở nhà ngồi xem pháo hoa trên tivi và ăn bánh chưng với mẹ. Nhiều lần con thấy mẹ khóc vì điện thoại mà ba không chịu về. Con giận ba lắm, lúc giận là con không ăn cơm bởi con thương mẹ lắm”, bé Phương Nghi (11 tuổi) con gái “hiệp sĩ” Hải nói.
Nhiều lúc truy đuổi bị té ngã phải nằm viện, vợ hờn dỗi đòi ly thân, cộng với việc thời điểm đó chính quyền chưa công nhận “hiệp sĩ”, anh Hải xao động, nhiều lúc chủ động hứa với gia đình sẽ giải nghệ. Nhưng rồi khi người dân báo tin, anh lại tiếp tục cùng đồng đội đi bắt tội phạm. Trong thời gian này anh Hải thay số điện thoại để người ta không gọi nữa, nhưng ngày nào cũng có người tìm tới nhà nhờ giúp đỡ… Không nỡ từ chối, anh lại lên xe cùng đồng đội lao đi. “Giờ đây lời hứa bỏ nghề của anh Hải không còn tác dụng đối với gia đình nữa”, chị Hạnh nói.
Làm “hiệp sỹ” không có nghĩa là anh Hải và đồng đội không biết sợ nguy hiểm và không hiểu sự phức tạp của hoạt động này. Lỡ không may gây tai nạn trong lúc truy đuổi đối tượng thì bị truy tố trách nhiệm hình sự rồi phải đi tù, phải bồi thường, như vụ việc của “hiệp sĩ” Thạch Đạt, các anh sẽ trở thành tội đồ trong mắt người dân. Dẫu biết lúc truy bắt tội phạm anh em phải chấp nhận hi sinh, nhưng không ai muốn tội phạm, cái ác nhâng nhâng tồn tại thách thức. Hơn lúc nào hết, mọi người trong các CLB phòng chống tội phạm ở Bình Dương tha thiết, muốn các cơ quan chức năng cùng sát cánh”, “hiệp sĩ” Hải nói.
Tưởng bạn trai là cướp
“Hiệp sĩ” Trần Hoàng Anh được nhiều người dân Bình Dương gọi là “siêu bắt cướp”. Chị Nguyễn Thị Yến Xuân (vợ Hoàng Anh) cho biết cái ngày đầu tiên hẹn hò đi chơi với người yêu mà chị ngỡ mình yêu lầm kẻ cướp. Đi đâu con mắt Hoàng Anh cũng láo liên. Chị đòi về, trên đường về bất ngờ hai thanh niên chở nhau vụt qua rất nhanh. Hoàng Anh cũng tăng tốc đuổi theo, lúc đó chị nghĩ người yêu mình đích thị là đồng bọn với cướp. Trên đường đuổi theo, do quá sợ hãi nên chị gào thét dữ dội. Thấy vậy Hoàng Anh dừng lại bỏ mặc chị ở bên đường rồi lao đi mất hút.
Lúc về tới nhà chị Xuân vẫn còn thắc thỏm lo sợ nên tắt nguồn điện thoại mấy ngày liền. Bất ngờ một ngày Hoàng Anh cùng đôi vợ chồng tìm đến tận nhà, hai người đó đưa tờ báo đăng tin “hiệp sĩ” Hoàng Anh truy đuổi và bắt được hai đối tượng giật dây chuyền của họ. Thì ra trong đêm chở chị về, Hoàng Anh đuổi theo hai tên cướp. Lúc tìm cách khống chế bọn cướp, anh bị chúng xé rách chiếc quần đang mặc. Chiếc quần rách đó giờ được vợ chồng giữ lại làm kỉ niệm.
Về miền đất Gốm, hỏi nhà vợ chồng “hiệp sĩ” Hồ Văn Hoàng và Tăng Ngọc Thu là người dân nhiệt tình chỉ chỗ. Bởi hình ảnh đôi vợ chồng chở nhau trên chiếc xe máy truy đuổi theo các đối tượng trộm cướp không còn xa lạ với người dân địa phương.
Chị Thu bảo, hai vợ chồng buôn bán thịt heo ngoài chợ cả ngày, tối đến, anh Hoàng chở vợ “đi tuần” khắp các tuyến đường trong và ngoài thành phố Thủ Dầu Một.
Năm 2011, khi mô hình CLB phòng chống tội phạm ở Bình Dương hoạt động ngày càng sôi nổi, anh Hoàng tham gia CLB ở phường Lái Thiêu. Những tưởng chồng dấn thân vào việc nguy hiểm, vợ phản đối, ngược lại chị Thu không những ủng hộ chồng, mà còn đăng kí tham gia để đồng hành cùng anh. Gần 5 năm, đôi “hiệp sĩ” này tham gia trên 300 vụ truy đuổi và bắt trộm, cướp.
Trò chuyện với chúng tôi, hầu hết những người thân của “hiệp sĩ” đều nơm nớp lo lắng mỗi khi các anh ra khỏi nhà. Dẫu biết việc hành hiệp trượng nghĩa là việc làm xuất phát từ cái tâm, nhưng công việc này quá nguy hiểm. Để giữ gìn sự bình yên cho xã hội, lắm khi các anh phải trả những cái giá quá đắt, ít nhất là bị thương tích, có lúc là cả mạng sống. Năm 2010, “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh ra đi để lại nỗi đau xé lòng cho gia đình và đồng đội.