Xuất phát từ thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, sau 3 tháng nghiên cứu, nhóm bạn trẻ ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã bước đầu thành công với mô hình trồng su su.
Su su trồng ở thị trấn Tam Đảo vốn nổi tiếng ở các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên đang bị mất dần thương hiệu do bị những sản phẩm kém chất lượng trà trộn vào thị trường. Vì thế, người tiêu dùng không biết mua sản phẩm chất lượng ở đâu, còn nhà sản xuất ở Tam Đảo không biết bán cho ai do “thật giả lẫn lộn”.
Lo lắng trước thực trạng nông sản Việt đang mất dần giá trị trên ngay thị trường nội địa, nhóm bạn trẻ ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã quyết định phát triển dự án trồng su su theo công nghệ Việt Gap, sử dụng nguồn nước từ suối Thác Bạc.
"Mảnh đất này từng nhiều năm là vùng trồng nguyên liệu thuốc, đất hấp thụ nhiều khoáng chất có lợi cho cây trồng", Xuân Đài, trưởng nhóm dự án diễn giải.
Với các bạn, đây không chỉ đơn thuần là dự án khởi nghiệp đơn thuần mà trong đó còn là tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân tại thị trấn Tam Đảo muốn su su được trả lại đúng giá trị và đến được tay người tiêu dùng chân chính.
Dự án của nhóm có hai khâu là Giám sát chất lượng và Phân phối sản phẩm. Với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia cố vấn là các thầy cô trong trường về lĩnh vực Nông nghiệp, dự án sẽ giúp đỡ bà con nông dân về kỹ thuật canh tác. Đồng thời quy trình sản xuất sẽ được giám sát thông qua những kỹ sư nằm vùng, chính quyền địa phương, các hộ sản xuất và hệ thống camera hoạt động 24/24.
Về việc phân phối sản phẩm, nhóm khách hàng mà dự án hướng tới là “khách hàng xanh”. Đây là những khách hàng có nhu cầu sử dụng sản chất lượng cao, đồng thời cũng muốn đóng góp cho lợi ích cộng đồng gồm các giảng viên trường đại học, công nhân viên chức văn phòng, nhà hàng cao cấp, trường học dân lập, quốc tế…
Trong giai đoạn đầu dự án sẽ tập trung vào nhóm đối tượng các giảng viên trường đại học tại khu vực Hà Nội với mặt hàng chủ đạo là các sản phẩm về su su. Vì vậy để làm tăng tính đa dạng sản phẩm thì sẽ kết hợp với một số đơn vị có sản phẩm sạch nhưng không cạnh tranh như: thịt gà, lợn…
“Khách hàng muốn chọn mua rau sạch sẽ được gửi những thông tin liên quan đến sản phẩm. Nhờ vậy, họ có thể xem xét và đánh giá sản phẩm qua những quá trình minh bạch hóa. Sau đó su su sẽ được mang đến địa điểm ổn định và theo chu kì thời gian như 2kg/ tuần…”, Xuân Đài chia sẻ.
Ngoài ra, giá thành tới tay người tiêu dùng sẽ ở mức thấp nhất và đảm bảo chất lượng nhất. Hình thức thanh toán nhanh gọn cùng với những kỹ thuật cao sẽ tạo ra sự tiện dụng, nhanh chóng cho người tiêu dùng.
“Điều đặc biệt là dự án này chưa có trên thị trường. Sự sáng tạo trong mô hình này chính là tính minh bạch hóa trong quy trình sản xuất nông sản. Đây sẽ là điểm mấu chốt để thuyết phục khách hàng tin vào sản phẩm”, Xuân Đài gửi gắm.
Trong quá trình thực hiện, số vốn đầu tư còn hạn hẹp nên khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là thiết lập các kênh phân phối. “Với chi phí ban đầu gần 900 triệu đồng nên hiện nay nhóm vẫn còn đang trong quá trình vận động tài trợ. Dù mới thử nghiệm nhưng dự án này đã được sự ủng hộ của người dân”, Xuân Đài nói thêm.
Ngoài ra, nhóm đã triển khai thành công mô hình này tại trường Đại học Nông nghiêp Hà Nội khi cho ra đời vườn rau sạch hữu cơ phục vụ các giảng viên và sinh viên trong trường. Với giá thành từ 20k-30k/kg, nhóm đã thu về kết quả rất khả quan khi hàng sản xuất ra không đủ bán. Khách hàng ủng hộ nhiệt tình và rất mong muốn sẽ được sử dụng nhiều sản phẩm hơn nữa.
“Thông qua dự án này, nhóm mình mong muốn người nông dân và người tiêu dùng có một cuộc sống thoải mái hơn. Ngoài ra, mình dự định sẽ mở rộng sản xuất sản phẩm su su cũng như các nông sản tại những địa phương khác. Hiện tại thì nhóm đang nỗ lực xây dựng kế hoạch để mở rộng dự án này”, Xuân Đài tâm sự.
Theo Vnexpress