Ngày 8/8, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn chuyên gia đã đi kiểm tra tình hình sạt lở, sụt lún tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).
Đoàn công tác cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở NN&PTNT tỉnh… trực tiếp kiểm tra tình trạng nứt đất, sụt lún, sạt lở quanh dự án hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, Lâm Hà).
Bước đầu, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, nguyên nhân khu vực này bị sạt trượt, sụt lún không bắt đầu từ mưa. Trong tháng vừa qua khu vực này mưa khoảng 200mm, không quá lớn.
Thực tế khảo sát bên hồ cho thấy có một số vết trượt trên núi đã hình thành từ lâu. Gần đây do một số tác động khi triển khai các công trình xây dựng nên gây ra sụt lún, phá hủy một vài cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nhà dân.
Thứ trưởng đồng ý với một số biện pháp mà Lâm Đồng đang làm (tiến hành 15 mũi khoan) và đề nghị bố trí thêm một số mũi khoan nữa để xác định đúng nguyên nhân, vị trí sạt trượt để có giải pháp khắc phục.
“Cần làm rõ cung trượt này rộng, dài và dịch chuyển thế nào trong thời gian vừa qua. Khi xác định đúng nguyên nhân, xác định được vị trí… thì sẽ có giải pháp phù hợp”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Về giải pháp khắc phục hậu quả, Thứ trưởng cho rằng, trước mắt phải có biện pháp làm cho các cung trượt đất này chậm lại và bằng các biện pháp kỹ thuật để ổn định, không tiếp tục trượt nữa.
Việc đầu tiên là xử lý hệ thống thoát nước mặt và thoát nước ngầm để nước không tiếp tục tác động vào cung trượt này. Về thoát nước mặt, ở các rãnh trượt trên đỉnh phải có giải pháp đưa nước sang hướng khác.
Mặt khác, ở mặt trượt, phải có giải pháp để thoát nước ngầm. Nếu nước mưa không tiếp tục tác động đến mặt trượt này thì quá trình sạt trượt sẽ chậm lại và dần ổn định.
Trước đó, theo UBND huyện Lâm Hà, do mưa liên tục nên cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh bị lún, nứt, nghiêng lệch ở nhiều vị trí. Trong đó, đoạn dốc nước số 4 bị đẩy nghiêng dẫn đến tường bên trái thấp hơn thiết kế 2cm, tường bên phải cao hơn thiết kế 49cm; đáy dốc nước số 4 bị tách nứt 7,5cm.
Đồng thời, tường phải bể tiêu năng giáp đoạn nước rơi bị đẩy trồi 53cm và tường trái giáp đoạn nước rơi bị đẩy trồi 11cm. Đáy bể tiêu năng bên phải bị đẩy trồi 60cm. Tấm mái số 2 kênh hạ lưu bên bị đẩy nổi 60cm...
Như báo Tiền Phong đã thông tin, từ ngày 1/7 đến nay, xung quanh hồ Đồng Thanh còn xuất hiện nhiều vết nứt với chiều rộng từ 20-50cm, ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của nhiều hộ dân.
Đến nay, 4 căn nhà bị hư hỏng, nhiều héc-ta đất của 9 hộ dân bị ảnh hưởng; tuyến đường giao thông phục vụ đi lại, sản xuất cho khoảng 50 hộ bị sạt lở nghiêm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân.
Được biết, dự án hồ chứa nước Đông Thanh có tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng, dung tích hồ chứa hơn 3 triệu m3. Sau khi hoàn thành, hồ sẽ cấp nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân và nước tưới cho 700ha đất nông nghiệp.