Sự thật nhức nhối về 'rau an toàn' cho siêu thị

Không ít người tiêu dùng đang lựa chọn tìm mua sản phẩm rau sạch tại các hệ thống siêu thị như là cứu cánh để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và gia đình.
Những mớ rau quả cung cấp bởi cơ sở Nguyễn Thị Tưởng được gắn mác rau an toàn và bày bán tại siêu thị Metro (Hà Nội)

Thế nhưng, sau nhiều ngày điều tra ở nơi được mệnh danh là “vựa rau sạch” của Hà Nội, nơi ngày ngày cung cấp hàng chục tấn rau đóng mác “an toàn” cho hệ thống siêu thị và các cửa hàng rau sạch nội đô, PV đã mắt thấy, tai nghe nhiều điều nhức nhối.

Rau siêu thị chưa chắc an toàn

Câu chuyện bắt đầu từ cuộc “đột kích” bất ngờ của Đội Quản lý thị trường số 32 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) vào cơ sở cung cấp rau an toàn của bà Nguyễn Thị Tưởng, nằm trên địa bàn đội 3, thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh.

Tại thời điểm kiểm tra chiều 21/4, chủ nhân của cơ sở khổng lồ này đã không thể chứng minh được nguồn gốc của rất nhiều loại rau củ, trong đó có cả các sản phẩm đang được các nhân viên tất tả đóng gói vào các túi lưới, dán nhãn đảm bảo, để sau đó cung cấp vào chuỗi siêu thị Metro (Hà Nội).

Chiều 8/5, trả lời PV về vụ việc này, ông Nguyễn Xuân Cường - Đội phó Đội Quản lý thị trường số 32 - cho biết, sau khi lập biên bản xử phạt với số tiền 5 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, đơn vị này đã yêu cầu cơ sở của bà Tưởng phải tiêu hủy toàn bộ hơn 1 tấn rau củ vi phạm gồm hành tây, dưa chuột, mướp đắng...

Biên bản xử phạt cơ sở rau quả của Nguyễn Thị Tưởng.

Đáng chú ý, đây là một trong những địa chỉ đã và đang được đại siêu thị Metro “chọn mặt gửi vàng” suốt 4 năm qua. Hằng ngày, ít thì vài tạ, nhiều thì cả tấn rau củ từ cơ sở Nguyễn Thị Tưởng sẽ đến thẳng các giá, kệ nằm trong khu vực “rau an toàn” của đại siêu thị đình đám. Thế nhưng, đây cũng là lần đầu tiên cơ sở này bị cơ quan chức năng truy vấn về nguồn cung hàng hóa.

“Tại thời điểm kiểm tra, bà Tưởng định đưa vào Metro khoảng 2,5 tạ rau củ. Tuy nhiên qua xác minh, chỉ 70-80% số rau trên là được mua tại khu vực có chứng chỉ an toàn. Số còn lại mua trôi nổi ngoài thị trường, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ” - ông Cường nói.

Cũng theo lời vị Đội phó Đội Quản lý thị trường số 32, cơ sở của bà Tưởng vừa cung cấp rau an toàn (theo quy định phải được lấy từ vùng rau an toàn, được dán nhãn của đơn vị cung cấp) cho hệ thống siêu thị Metro, nhưng lại cung cấp cả rau cho các chợ đầu mối (không cần dán nhãn). Thế nên trong quá trình đơn vị này hoạt động, rất khó để biết họ có trộn lẫn các loại vào hay không.

Tuy nhiên, hóa đơn bán hàng của siêu thị Metro lại ghi tên hai sản phẩm này của nhà cung cấp Nguyễn Thị Tưởng là: “khoai tay Bac an toan” (khoai tây Bắc an toàn) và “hanh tay Bac an toan” (hành tây Bắc an toàn)..

Thâm nhập cơ sở Nguyễn Thị Tưởng

Quay trở lại những tháng ngày “ăn chực, nằm chờ” ở nơi được mệnh danh là vựa rau sạch của Hà Nội (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) để thu thập thêm các thông tin về cơ sở của bà Nguyễn Thị Tưởng, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Tiến Công - Chủ nhiệm HTX rau an toàn Thành Công, nơi bà Tưởng là xã viên.

Ông Công cho biết, tuy đăng ký là xã viên HTX rau an toàn Thành Công nhưng bà Tưởng lại chẳng hề có diện tích sản xuất mà chỉ bao tiêu sản phẩm của HTX.

“Mỗi ngày, chồng bà Tưởng mang xe máy xuống đây lấy khoảng 1-2 tạ rau. Cũng có những buổi bà ấy không lấy, chứ không phải ngày nào cũng lấy. Chúng tôi làm sao mà quản được” - ông Công nói.

Bên cạnh đó, một chi tiết cũng hết sức đáng lưu tâm là trong bản thuyết minh mô tả về cơ sở sơ chế Nguyễn Thị Tưởng mà PV tiếp cận được, thì xưởng sơ chế rau, củ, quả của bà có tổng diện tích 100m2, với công suất chỉ khoảng 300kg/ngày.

Trong đó, có hai sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc là khoai tây và hành tây (cả hai sản phẩm này đều được siêu thị Metro nhập và đề tên là “khoai tay Bac an toan” (khoai tây Bắc an toàn) và “hanh tay Bac an toan” (hành tây Bắc an toàn)...).

Thế nhưng, trong vai nhân viên một siêu thị sắp khai trương tại Hà Nội, sau đây là những gì cặp vợ chồng Tưởng - Xiêm khoe khoang với PV. Ông Xiêm cho hay, hàng của nhà ông vào cả 3 cơ sở của hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn Hà Nội. Riêng siêu thị Metro Thăng Long nhập nhiều nhất, từ 700kg đến 1,2 tấn/ngày. Hai cơ sở còn lại nhập từ khoảng 2-3 tạ/ngày. Còn bà Tưởng khẳng định nguồn hàng rất ổn định, đa dạng về chủng loại (15 loại rau). “Anh mua 5 tấn (mỗi ngày) tôi cũng có khả năng. Tôi chẳng thiếu cái gì”.

Một công nhân đang đóng bao rau củ tại cơ sở của bà Tưởng.

Vậy, đâu là nguồn cung rau cho cơ sở Nguyễn Thị Tưởng để cặp vợ chồng này có thể nói cứng đến như vậy? PV đã mất nhiều ngày bám theo chiếc xe tải màu xanh mang BKS: 29C-64465 của nhà bà Tưởng.

Đây là chiếc xe chuyên dùng để thu gom rau từ khắp nơi mang về xưởng sơ chế. Và bất ngờ đã xảy đến khi điểm dừng chân quen thuộc của chiếc xe này chẳng phải là một HTX rau được cấp chứng chỉ nào, nó lại là một nhà dân, nằm sâu trong thôn Yên Nhân (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh).

Chủ nhà là một người đàn ông trung niên, tên Năm. Ông mưu sinh bằng việc buôn bán rau và cũng thừa nhận ông chẳng có giấy phép kinh doanh hay chứng nhận VSATTP.

Trước câu hỏi về số lượng rau vẫn thường cung cấp cho bà Tưởng, ông thật thà nói: “Mình mua trực tiếp của dân. Mình hỏi họ đánh thuốc (BVTV) được mấy hôm rồi. Nếu được 5-6 ngày thì mua. Còn nếu vừa phun được 1-2 hôm thì thôi. Ở đây không có rau sạch đâu”.

Nhập nhằng vựa rau Vân Nội

Tiếp đến chúng tôi còn phát hiện ra những hành trình lạ thường của một chiếc xe tải màu trắng bạc, có in dòng chữ “Cty TNHH sản xuất, chế biến rau an toàn Ba Chữ” ở hai bên hông cabin.

Theo đó, khoảng 19h hằng ngày, chiếc xe này lại xuất hiện tại đầu đường dẫn vào thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (sát trạm xăng dầu Phố Yên) để nhập hàng. Những bó rau ăn lá, củ, quả chẳng ghi tem nhãn, địa chỉ truy xuất nguồn gốc xuất xứ được chất lên thùng xe một cách mau lẹ.

Điểm đến cuối cùng của chiếc xe là kho xưởng của Cty TNHH sơ chế rau, củ, quả an toàn Quang Vinh (mới thành lập được 1 năm) nằm trong thôn Thố Bảo (xã Vân Trì).

Tại đây, hàng trên xe được bốc xuống để một nhóm nhân viên sơ chế, đóng gói, gắn tem nhãn. Tìm hiểu mới biết, Giám đốc của Cty này là ông Nguyễn Văn Quang. Theo tìm hiểu, thực chất Cty Quang Vinh chỉ là “cánh tay nối dài” trên cơ sở mở rộng hoạt động của Cty Ba Chữ. Và như lời bà Lại Thị Hà - nhân viên của Cty Ba Chữ (đồng thời là nhân viên của Cty Quang Vinh) - thì chúng tuy hai nhưng là một. Chỉ khác nhau ở chỗ: Cty Ba Chữ vừa sản xuất, vừa chế biến rau an toàn. Còn Cty Quang Vinh thiên về thu mua rau an toàn của nông dân và “chế biến sâu” để cung ứng cho người tiêu dùng. Toàn bộ rau an toàn mang nhãn mác của hai đơn vị này đều được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ rau an toàn trên địa bàn thủ đô.

Cũng tại vựa rau Vân Nội, câu chuyện PV ghi nhận tại HTX rau an toàn Đạo Đức lại theo một chiều hướng khác. Theo tiết lộ của các xã viên, thì chỉ cần khách hàng muốn, HTX có thể cung cấp đủ các chủng loại rau, tất nhiên đều gắn mác rau của Đạo Đức.

“Nếu mùa nào mình không có thì mình nhập rau ở Đà Lạt, ở TQ. Tất nhiên là ở đây nhập về rồi giao, đóng mác vẫn là của (HTX) Đạo Đức hết. Còn nếu muốn có rau mang nhãn mác chính hãng ở trong Đà Lạt thì phải đặt hàng trực tiếp trong đó. Nhưng tất nhiên là giá đắt hơn rất nhiều...” - người này nói...

Theo Theo Báo Lao Động