Sự kiện Gạc Ma (Trường Sa), 33 năm: Áo con, mẹ không còn mặc

TP - Tròn 33 năm trước (ngày 14/3/1988), 64  chiến sĩ công binh hải quân của ta đã ngã xuống dưới họng súng hung tàn của Trung Quốc, vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển đảo Gạc Ma - Trường Sa. Tinh thần và sức mạnh quả cảm, của những người lính Gạc Ma-Trường Sa ngày ấy đã truyền cảm hứng, sức mạnh cho thế hệ muôn đời về giá trị, ý nghĩa 2 tiếng Tổ quốc. 

Mẹ Lê Thị Muộn ra đi đúng dịp Đà Nẵng cách ly phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 đợt hai hồi tháng 8 năm ngoái. Do dịch bệnh, nên đám tang của mẹ rất đơn sơ, đồng đội cũ của con trai mẹ chỉ có thể bái vọng. Vậy là không còn thấy hình ảnh quen thuộc mẹ mặc chiếc áo của đứa con trai đã vĩnh viễn nằm lại Gạc Ma 33 năm trước...

Ôm áo chờ con về!

Mẹ Lê Thị Muộn là mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự, hy sinh ở Gạc Ma ngày 14/3/1988. Đà Nẵng thời điểm tháng 8/2020 cả thành phố đang bị phong tỏa vì dịch COVID-19. Bởi vậy, nên đám tang của mẹ cũng chỉ được phép tổ chức thật đơn giản, nhanh chóng chỉ có con cháu trong gia đình.

Mẹ Muộn với tấm áo của con - ảnh: Trần Tuấn (chụp năm 2011)

Những ngày tháng cuối đời, mẹ Muộn sống cùng gia đình vợ chồng người con trai Phan Văn Dân - Nguyễn Thị Hà ở tổ 63, phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Tôi đến thắp hương cho mẹ Muộn đúng ngày gia đình ông Dân đang chuẩn bị để ngày mai làm giỗ chung theo lịch âm cho cha và em trai (liệt sĩ Phan Văn Sự). Một ngày sau trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988), tin anh Sự hy sinh dội về khiến cho người cha là ông Phan Văn Bé đang điều trị bệnh phổi suy sụp nhanh, rồi ra đi. Từ đó, gia đình lấy ngày 27 tháng Giêng làm giỗ chung cho hai cha con. 

Từ dưới bếp đi lên, bà Hà kéo ghế mời khách uống nước. Bà Hà kể: Năm nào đến ngày giỗ của cha và chú Sự, con cháu về đông đủ, quây quần bên nhau. Mỗi dịp vậy, mẹ Muộn đều mặc chiếc áo hải quân của Sự, kể chuyện chú Sự thời niên thiếu, rồi tham gia quân ngũ, chiến đấu hy sinh vì Gạc Ma cho cháu chắt cùng nghe. Dù lớn tuổi nhưng mỗi chi tiết, mỗi kỷ niệm về con trai mẹ Muộn vẫn nhớ như in. Nhưng từ giỗ năm nay trở đi, gia đình mãi vắng bóng mẹ.

Trong câu chuyện về mẹ Muộn những ngày cuối đời, khiến con cháu và người nghe xúc động là chi tiết mẹ vẫn ôm chiếc gối bên trong có mảnh vải áo lính của anh Sự. Đó là một phần của chiếc áo mà anh Sự mặc khi còn làm nhiệm vụ ở đất liền trong năm đầu nhập ngũ. Trong chuyến đi Trường Sa, anh Sự để quên chiếc áo này ở đơn vị tại Cam Ranh. Sau khi hy sinh, đơn vị chuyển lại cho gia đình. Sau khi nhận áo về, vì thương nhớ con, mẹ Muộn tự tay cắt, may chiếc áo lính thành chiếc áo bà ba. Những vai áo, mảnh vải còn thừa, mẹ lại cẩn thận gói lại bỏ vào tủ.

Ông Dân kể: “Mỗi lần nhớ con, mẹ lại mang áo ra ngắm, ra mặc. Trong số các con, mẹ thương chú Sự nhất. Mấy chục năm đi đâu mẹ cũng xếp gọn áo bỏ trong túi, rất cẩn thận”.

Chiếc áo đó mấy năm trước mẹ hiến tặng cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (đặt tại Cam Ranh, Khánh Hòa). Bà Hà kể, ban đầu anh em đến vận động nhưng mẹ chưa đồng ý vì đó là di vật cuối cùng, duy nhất của người con trai anh dũng. Nhưng sau khi suy nghĩ lại mẹ quyết định hiến tặng. Rời xa tấm áo quý, mấy ngày đầu mẹ Muộn rất buồn, nhưng rồi chợt nhớ còn những mảnh vải, vai áo năm xưa để lại mẹ lại lấy ra, bỏ vào gối. Từ đó, chiếc gối gắn bó với mẹ cho đến phút cuối đời và theo mẹ về bên kia thế giới.

“Những ngày tháng cuối đời, mẹ vẫn luôn đau đáu về người con trai đã hy sinh. Ước nguyện lớn nhất của mẹ là có một ngày, hài cốt của chú Sự được tìm thấy, về với đất Mẹ. Tuổi cao, sức yếu, mẹ đã không chờ nổi”, chị Hà xúc động.

“Hình ảnh bà nội nâng niu từng mảnh vải áo của chú Sự khiến cháu chắt hiểu tình mẫu tử, sự hy sinh thiêng liêng như thế nào. Bà nội đi xa nhưng câu chuyện về sự hy sinh của chú và đồng đội luôn ở lại”. Phan Thị Thuỳ Trang, 31 tuổi, cháu nội của mẹ Muộn, tâm sự.

Thao thức cùng đồng đội

Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng bùi ngùi khi nhắc đến các nhân chứng, thân nhân của các gia đình liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma trên địa bàn TP Đà Nẵng theo thời gian đang ít đi vì bệnh tật, ốm đau và tuổi tác. Tháng 3/2017, anh em đồng đội xót xa tiễn đưa cựu binh, nhân chứng sống Dương Văn Dũng (Dũng Gạc Ma) qua đời vì bạo bệnh. Đến lượt mẹ Muộn tuổi cao sức yếu, từ giã cõi trần khi ước nguyện còn dang dở, để lại cho anh em đồng đội bao nỗi niềm. “Thân nhân, đồng đội ra đi, anh em day dứt vì còn đó những tâm nguyện, ước mơ còn dở dang, chưa thực hiện được”, ông Tấn chia sẻ.

Ông Tấn kể, ngày mẹ Muộn mất, đúng lúc cả Đà Nẵng đang cao điểm phong tỏa cách ly phòng chống dịch nên đám tang mẹ nhanh gọn, buồn quạnh hiu. Hay tin, ông chỉ gọi điện, nhắn tin và thông báo tin buồn trên trang cá nhân để anh em, đồng đội biết để bái vọng, cầu mong linh hồn mẹ siêu thoát, gặp lại con trai sau bao năm ngóng đợi. Bỏ qua nỗi lo dịch bệnh, mình ông Tấn khẩu trang y tế cẩn thận thay mặt anh em, đồng đội và Ban liên lạc đến viếng tiễn đưa mẹ Muộn. “Trái tim thúc giục phải đến với mẹ lần cuối. Cũng muốn gọi anh em đồng đội về bên mẹ đông đủ nhưng lo ngại chẳng may dịch bệnh lây nhiễm lại phiền bao người. Chứng kiến nhiều đám tang, nhưng đám tang mẹ Muộn buồn và vắng lặng”, ông Tấn bùi ngùi.

Anh Trần Văn Tiến hoàn thiện mô hình tàu HQ 604 để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 33 năm hải chiến Gạc Ma vào 14/3/2021 này Ảnh: Nguyễn Thành
Những ngày tháng 3 này, dù bộn bề công việc nhưng cựu binh Trần Văn Tiến (Giám đốc Công ty Nguyên Tiến, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn ngược xuôi để chuẩn bị lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma. Bãi đất trống trước trụ sở công ty, hai năm nay anh xin phép phường cải tạo, rồi bỏ tiền xây dựng thành một “công viên” nhỏ rợp cây xanh. Ở đó, anh Tiến cho lát đá, gạch cách điệu hình bản đồ Tổ quốc, kế bên 2 cụm đảo Hoàng Sa - Trường Sa đắp bằng đá. Lễ tưởng niệm, hóa vàng cho 64 liệt sĩ được cử hành trang nghiêm ở đây.

Một việc quan trọng, theo anh Tiến, đó là trong dịp kỷ niệm 33 năm này, sau lễ kỷ niệm anh em sẽ ngồi lại đề xuất và xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn (Lữ đoàn Công binh 83-PV) về kế hoạch xuất bản  một cuốn sách lịch sử truyền thống nói về trận hải chiến Gạc Ma, về Trường Sa với những thông tin chính thống, thống nhất nội dung khi cần. Ngoài phần nói về trận hải chiến, còn có phần cụ thể về tiểu sử các liệt sĩ, thân nhân gia đình và cả cuộc sống đời thường của các cựu binh Gạc Ma. Cuốn sách sẽ góp phần tôn vinh sự hy sinh của các liệt sĩ, thân nhân các liệt sĩ, anh em đồng đội từng chiến đấu vì Gạc Ma, vì Trường Sa thân yêu.

Năm nay, anh Tiến (cựu binh Gạc Ma) thiết kế, kêu gọi anh em thợ trong công ty thi công mô hình bằng sắt tàu HQ 604 huyền thoại. Con tàu hoàn thành được đặt ngay vị trí trung tâm, sẽ là điểm nhấn trong “công viên” xinh xắn này. Con tàu cũng sẽ là nơi dâng hương tưởng nhớ 64 liệt sĩ vào ngày 14/3 hằng năm.