Sông Cầu Bây nằm trong đê hữu sông Đuống, có chiều dài khoảng 12,5 km, là con sông thoát nước chính chảy qua địa bàn quận Long Biên (khoảng 5,5 km) và huyện Gia Lâm (khoảng 7 km). Thượng lưu của sông là hồ Kim Quan (địa phận phường Việt Hưng, quận Long Biên) và hạ lưu là sông Bắc Hưng Hải tại cửa xả đập Xuân Thụy (địa phận xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm).
Những năm trước đây, Cầu Bây là con sông chính phục vụ tưới tiêu cho 400 ha đất canh tác nông nghiệp của hai địa phương kể trên. Bên cạnh đó, sông cũng làm nhiệm vụ thoát nước khi hai địa phương bị mưa lớn, gây úng ngập. Chính vì vậy, việc dòng sông bị ô nhiễm gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven sông.
Tại khu vực tổ 6, phường Sài Đồng (Long Biên) nước sông luôn trong tình trạng đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Nhiều hôm trời nắng nóng, mặt nước sủi bọt, phía trên là từng đàn ruồi muỗi bu bám. “Dù mới mưa nước sông lên nhưng việc ô nhiễm vẫn không được cải thiện nhiều. Những ngày trời nắng nóng hoặc nồm ẩm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ sông khiến chúng tôi đau đầu, chóng mặt. Lo nhất là mấy đứa cháu còn nhỏ mà suốt ngày hen suyễn, ốm đau lặt vặt...” - ông Hải Long (Sài Đồng, Long Biên) bộc bạch.
Xuôi về cuối nguồn sông Cầu Bây, nơi dòng nước ô nhiễm đổ vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm), có thể nhìn thấy rõ sự ô nhiễm của dòng nước.
Cận cảnh dòng nước đen ngòm dưới dòng sông "chết" Cầu Bây.
Sông Cầu Bây hiện được xem là một trong những tác nhân gây ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải - công trình thuỷ lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh và dân sinh) cho 4 tỉnh, TP: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương.
Dòng sông ô nhiễm gây ảnh hưởng tới nhiều địa phương của huyện Gia Lâm sử dụng nước tưới để sản xuất nông nghiệp.
Các cửa cống đóng chặt ngăn nước sông đi vào đồng ruộng của người dân.
Con kênh ô nhiễm đổ trực tiếp từ khu dân cư vào dòng sông.
Rác thải bủa vây một cửa cống tại Gia Lâm.
Hiện nay có 28 điểm xả nước thải sinh hoạt từ khu dân cư trực tiếp ra sông Cầu Bây với lưu lượng khoảng 50.000 m3/ngày đêm, trong đó lượng nước thải từ khu dân cư cũ hầu như chưa được thu gom, xử lý.
Thực hiện Kế hoạch số 90/KH-UBND của UBND TP, hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang xây dựng kế hoạch để tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện hiện trạng, hiệu quả sử dụng công trình thủy lợi, xây dựng dự án, kế hoạch, bố trí nguồn vốn và tổ chức thực hiện việc nạo vét, sửa chữa, nâng cấp công trình trên sông Cầu Bây.
Nhằm sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm trên sông Cầu Bây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030.
Theo đó, Hà Nội dự kiến tổ chức triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp. Trọng tâm là ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng quy chuẩn môi trường.
Phùng Linh