Ông đánh giá thế nào về công tác an toàn người bệnh qua các ca tai biến xảy ra gần đây tại TPHCM cũng như các tỉnh?
- Đã có lỗi xảy ra. Lỗi hệ thống thuộc người quản lý bệnh viện. Mọi hoạt động trong bệnh viện đều phải được chuẩn hóa thành quy trình. Vấn đề là nhân viên có tuân thủ không và lãnh đạo bệnh viện có giám sát theo quy trình đó không. Thứ hai là lỗi cá nhân. Trước khi đánh giá, kết luận về một cá nhân, ta phải xem xét người đó trên 3 phương diện kiến thức, kỹ năng và tính kỷ luật. Khi tai biến xảy ra, trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện phải rà soát lại toàn bộ các nguyên tắc đó để giải quyết nhằm tránh không xảy ra nữa.
Ví dụ vụ điều dưỡng ở Bệnh viện Nhi đồng 1 mà Tiền Phong phản ánh, khi thấy người nhà lo lắng cần phải có thái độ đúng đắn hơn, quan tâm hơn. Vụ việc này cần xem là lỗi cá nhân hay hệ thống, là hiện tượng hay bản chất. Theo tôi biết, bản chất Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện luôn làm việc rất tích cực, có thành tích cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo.
Ông nghĩ thế nào về thái độ, cách ứng xử của nhân viên y tế đã khiến người dân thêm bất bình?
- Đầu tháng 4 này, trong cuộc họp giao ban ngành, tôi sẽ nhắc nhở để làm thế nào giảm bức xúc nhất khi xảy ra tai biến. Đầu tiên, phải tuân thủ nghiêm những quy chế chuyên môn mà Bộ Y tế đã ban hành như quy chế giao tiếp ứng xử, cấp cứu, hội chẩn...
Qua những sự việc vừa rồi, cần tránh thái độ chủ quan của bác sĩ khi tiếp xúc với người nhà như kiểu “bệnh này không sao”! Bởi, như tôi đã nói, trong y khoa, không thể nào lường trước các nguy cơ. Thứ hai, tránh cho người nhà phải “tham gia” trong khi đang cấp cứu cho bệnh nhân. Thỉnh thoảng vẫn còn xảy ra tình trạng nhân viên y tế yêu cầu người nhà chạy đi mua thuốc này, dụng cụ kia… Thứ ba, tránh từ chối chuyển viện theo yêu cầu mà không giải thích rõ lý do. Và tránh vô tình tạo một hình ảnh đối lập (phản cảm) giữa bác sĩ, điều dưỡng với người bệnh, thân nhân. Như việc xảy ra ở Nhi đồng 1, ăn uống, nói chuyện giữa khoa phòng làm thân nhân không hài lòng.
Xin ông cho biết các bước giải quyết bức xúc của người dân khi có tai biến, tử vong xảy ra tại bệnh viện?
- Khi tiếp nhận phản ánh với thái độ bức xúc từ người dân, nhân viên y tế phải báo cáo ngay với trực lãnh đạo bệnh viện để có cách giải thích và ứng xử tốt nhất. Cố gắng thuyết phục người nhà cho bệnh viện tiến hành mổ tử thi nhằm xác định chính xác nguyên nhân tử vong. Dù chưa biết đúng sai về phía nào, nhưng trách nhiệm của bệnh viện luôn phải chia sẻ cả về tinh thần lẫn vật chất đối với gia đình người bệnh. Cuối cùng, bệnh viện phải lập hội đồng chuyên môn, sau 5 ngày phải trả lời cho người dân biết kết quả và báo cáo lãnh đạo ngành.